Thúc đẩy tín dụng bất động sản

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/08/2023 18:07 GMT+7

VTV.vn - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng tung ra nhiều gói tín dụng, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Ngân hàng tung các gói tín dụng thúc đẩy thị trường bất động sản

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo,nhiều ngân hàng thương mại nhà nước như: Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã tích cực giảm lãi suất cho vay.

Tiếp theo đó, loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã bắt đầu triển khai các gói lãi suất giảm dành cho vay mua bất động sản. Tuy nhiên, mức lãi suất vay ngân hàng dưới 10% chỉ áp dụng trong thời gian ngắn (từ 3 - 6 tháng và cao nhất là 1 năm), theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thúc đẩy tín dụng bất động sản - Ảnh 1.

Các tổ chức tín dụng tung ra nhiều gói tín dụng, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa.

Ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, các doanh nghiệp bất động sản lại vẫn cho rằng, một số quy định trong Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới sẽ khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này trở nên khó khăn hơn.

Báo Lao động dẫn lời Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay có hàng nghìn dự án khó triển khai vì vướng mắc pháp lý, phải dừng lại để rà soát. Rất nhiều dự án bị đứt gãy tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư từ khách hàng.

Đặc biệt, là các dự án đang dở dang trong khâu giải phóng mặt bằng, chờ duyệt tiền sử dụng đất, đang xây dựng dở dang... Trong khi đó, Thông tư 06 lại đang ngăn cản cả khách hàng và nhà đầu tư tiếp cận dòng tiền, khiến thanh khoản trên thị trường ách tắc.

Trong tuần, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư 06, trong đó có các vướng mắc được các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư 39 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) và các điều, khoản có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Sửa Thông tư 06: Doanh nghiệp có thêm thời gian tái cấu trúc ngắn hạn

Sau chỉ đạo khẩn của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10, ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 39 đã được bổ sung tại Thông tư 06. Đây được coi là giải pháp cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần ưu tiên tăng trưởng như hiện nay. Sự điều chỉnh này đang tạo ra một khoảng thời gian "vàng" để doanh nghiệp tái cấu trúc trong ngắn hạn.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam bình luận: Việc tạm ngưng thi hành các khoản mục liên quan đến cho vay bất động sản sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.

Thúc đẩy tín dụng bất động sản - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.

Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều có thể hưởng lợi từ Thông tư này. Việc ngưng một số điều khoản trong Thông tư 06 chỉ mới là bước khởi đầu trong quá trình "dài hơi" tìm kiếm sự phát triển ổn định của lĩnh vực bất động sản.

Mặt khác, cần đẩy mạnh giải quyết thị trường vốn, gồm cổ phiếu và trái phiếu, nơi cung cấp dòng tiền trung và dài hạn ổn định hơn là dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vốn có đặc trưng ngắn hạn, biến động nhanh và mạnh.

Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn bình luận: Việc Ngân hàng Nhà nước tạm hoãn thi hành một số điều khoản của Thông tư 06 là động thái hỗ trợ rất kịp thời. Đơn cử như quy định cấm cho vay để góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần… bản chất là hoạt động mua bán, sáp nhập M&A. Nếu giữ nguyên quy định thì chỉ có khoảng 78 trong tổng số 40.000 doanh nghiệp bất động sản hiện nay tiếp cận được tín dụng để triển khai hoạt động này.

Trong văn bản ban hành Thông tư 10, sau khi hủy điều khoản trên, Ngân hàng Nhà nước nhắc đến việc sẽ nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước gỡ khó tín dụng bất động sản Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước gỡ khó tín dụng bất động sản

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản cho doanh nghiệp, người mua, giảm chi phí để hạ lãi vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước