Tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong những tháng cuối năm

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 09/07/2023 16:20 GMT+7

VTV.vn - Theo IMF, tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm và trong trung hạn. Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng cao nếu các cải cách cơ cấu được thực thi.

Xuất hiện nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế màu xám

Đầu tuần qua, sau khi những số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm được công bố, không ít bài báo đã chia sẻ chung nhận định, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, nhiều quốc gia tăng trưởng thấp, tăng trưởng âm, mức tăng trưởng GDP 3,72% trong nửa đầu năm của Việt Nam cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Đáng chú ý, trên tờ Lao động, Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhấn mạnh chỉ số tăng trưởng tăng lên qua từng tháng, mức tăng trưởng của tháng 6 cao hơn của tháng 5 và cao hơn tháng 4. Vị chuyên gia kinh tế tin rằng, với đà tăng trưởng này, chỉ số GDP 6 tháng cuối năm nay sẽ tốt hơn kỳ vọng của các nhà quản lý và mong muốn của doanh nghiệp.

Đây cũng là nhận định của Đoàn tham vấn Điều IV của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau chuyến làm việc tại Việt Nam vừa kết thúc. Tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm và trong trung hạn. Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tăng trưởng cao nếu các cải cách cơ cấu được thực thi, Thời báo Ngân hàng thông tin.

Với bài viết: "Xuất hiện nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế màu xám", Thời báo Tài chính cho rằng, kinh tế cả nước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% do nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài cũng như những khó khăn từ nội tại. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6 đang dần được cải thiện. Phần lớn các doanh nghiệp đánh giá xu hướng tăng trưởng và ổn định trở lại. Trong đó khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng 1,56% quý I, giảm 0,75%. Điểm sáng nhất vẫn là khu vực dịch vụ với mức tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Với đà tăng trưởng hiện nay, chỉ số GDP 6 tháng cuối năm nay sẽ tốt hơn kỳ vọng của các nhà quản lý và mong muốn của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Bài toán thực thi

Đầu tuần này, trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế như: tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra, tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm, tiếp cận vốn còn khó khăn, dư nợ tín dụng tăng thấp, tín dụng tăng tốc thu ngân sách có xu hướng giảm, công nghiệp phục hồi chậm, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn nặng nề, chưa thông thoáng.

Trong phiên họp Chính phủ và tại cuộc làm việc với hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra trong tuần, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nới điều kiện cho vay thuận lợi hơn.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thêm một lần nữa, Chính phủ gửi đi thông điệp đặt trọng tâm vào kỷ luật, kỷ cương trong điều hành để triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy bài toán thực thi tiếp tục không dễ dàng.

Báo Đầu tư bình luận: "Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc ở một số cấp thực thi tiếp tục được nhắc đến. Đây cũng chính là lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp mỗi khi bàn tới nỗ lực gỡ khó cho khu vực này. Thực thi chính sách, đảm bảo tối đa hóa hiệu quả thực tế của các giải pháp chính sách vẫn đang là bài toán cần ưu tiên vào lúc này".

Báo Lao động bình luận, để đạt được mục tiêu đề ra, điều quan trọng là hành động, hành động ngay lập tức là tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cán bộ công chức phải thay đổi suy nghĩ trong công việc, không phải tìm ra sai sót của doanh nghiệp để làm khó, cản trở, mà tìm cách giải quyết nhanh nhất các thủ tục để doanh nghiệp hoạt động. Chính quyền phục vụ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Nếu địa phương nào cũng làm được như vậy thì lo gì chuyện tăng trưởng.

Xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới

Cũng trong tuần qua, câu chuyện về xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới chính là điểm nhấn tích cực được các báo nhắc đến.

Theo đó, xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng liên tục. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm nay, dù các thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với giá trị tăng lần lượt là 34% và 64%.

Trên tờ Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm nay xuất khẩu gạo chắc chắn đạt 8 triệu tấn, thu về trên 4 tỷ USD, tăng mạnh so với năm ngoái.

Rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay giảm, tuy nhiên xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục tăng trưởng, đó cũng chính là cơ sở để tạo đà cho xuất khẩu những tháng còn lại của năm nay lội ngược dòng. Qua câu chuyện này cho thấy, chỉ có thể bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và chủ động tận dụng tối đa thời cơ, các ngành, các cấp mới có thể đồng lòng vượt khó trong nửa năm còn lại đầy thách thức này.

Du lịch Việt Nam khởi sắc góp phần tăng trưởng kinh tế Du lịch Việt Nam khởi sắc góp phần tăng trưởng kinh tế

VTV.vn - Trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch nước ta đón hơn 5,6 triệu lượt khách nước ngoài, đạt 70% mục tiêu đón khách quốc tế của cả nước năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước