Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới đi được khoảng 1/3 kế hoạch. Để đạt được mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng từ 12 -14%, trung bình, trong 4 tháng cuối năm, mỗi tháng, các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm trên 2%. Thực tế này khiến các ngân hàng phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng và lên kế hoạch đưa dòng tiền ra nền kinh tế.
Ông Trần Hoài Nam, Phó TGĐ Ngân hàng HDBank cho biết: “Chúng tôi cũng dành quỹ 1.000 tỷ hỗ trợ cho bình ổn giá trong Tết Nguyên đán sắp tới. Ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, chúng tôi cũng đồng hành cùng doanh nghiệp FDI để giúp họ hỗ trợ tài chính cũng như tư vấn tài chính, qua đó có thể thấy các doanh nghiệp FDI tin tưởng và đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động tại Việt Nam”.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để khơi thông dòng vốn như yêu cầu các nhà băng tăng cường cho vay tín chấp, tìm cách tháo gỡ gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, triển khai gói cho vay liên kết 4 nhà và đặc biệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tìm được những khách hàng phù hợp.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 5,18% cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng, dòng tiền các tổ chức tín dụng đưa ra lưu thông trên thị trường 8 tháng mới chỉ ở mức 4,45%, đó là một điểm sáng của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói: “Chúng ta đang điều chỉnh nền kinh tế theo đúng định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, các doanh nghiệp đi vào thực lực sản xuất, không sống dựa vào nguồn tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Cá nhân tôi đánh giá đây là một điểm sáng chứ không phải là nỗi lo và đây là điểm mừng vì chúng ta đã điều hành để doanh nghiệp thấy rằng ngân hàng là bạn với doanh nghiệp, nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ. Đây chính là sự thay đổi tư duy của các TCTD trong nền kinh tế thị trường”.
Hiện nay tổng cầu thấp là nguyên nhân khiến tín dụng khó có đầu ra dù lãi suất có giảm bao nhiêu đi chăng nữa. Thêm vào đó, vấn đề nợ xấu đang là mối lo lớn khiến nhiều ngân hàng cũng cẩn trọng hơn trong cho vay. Chính vì vậy, để thông dòng tín dụng, cần đến những chính sách dài hơi hơn.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Hiện Việt Nam phải giải quyết cả hai vấn đề ngắn hạn và dài hạn, đó là kích cầu và cải cách cơ cấu. Trong ngắn hạn, không có nhiều biện pháp chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù vậy, tăng trưởng ở khu vực xuất khẩu, khu vực dịch vụ và sản xuất hiện đang khá tốt, do vậy cần lưu ý loại bỏ những nút thắt cổ chai và đáp ứng nhu cầu tín dụng trong các ngành này nhằm hỗ trợ tăng trưởng”.
Các chuyên gia cùng cho rằng, để tạo sức cầu mạnh đối với tín dụng, cần sự phối hợp của nhiều chính sách khác nhau. Ví như tăng giải ngân đầu tư công, hay cắt bớt thủ tục, giảm giãn thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư vào kinh doanh, qua đó kích thích nhu cầu về vốn tín dụng.