Theo Vụ trưởng vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh, dư nợ cho nền kinh tế đến hết tháng 3 tăng 0,36%. Cùng kỳ năm ngoái, tín dụng âm 1,96% và cũng tăng trưởng âm liên tiếp 2 tháng đầu năm nay.
“Năm ngoái, tín dụng giảm mạnh và kéo dài hết tháng 6. Năm nay có khác là tín dụng giảm nhưng không giảm sâu, đặc biệt từ 20/3, tín dụng bắt đầu tăng và tăng đều từ đó tới nay. Tôi cho rằng đó là tín hiệu tích cực”, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết.
Để tín dụng có thể tăng đều, vấn đề là ở sự gặp gỡ của doanh nghiệp, người đi vay và ngân hàng. Doanh nghiệp phải xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có dòng tiền về, trong khi ngân hàng đưa ra các mức lãi suất phù hợp. Mặt bằng lãi suất hiện nay đã dần về mức 11-12%/năm, do các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho người vay…
Chính phủ cũng vừa chỉ đạo phải tiếp tục hạ lãi suất cho vay xuống để chi phí vốn của doanh nghiệp ở mức bình thường.
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank: “Ngân hàng đưa ra những gói ưu đãi 8-9% mà không cho vay ra được. Chúng tôi cũng đồng tình với chủ trương của Chính phủ nhưng lãi suất khó giảm thêm, bởi lãi suất mà giảm thêm sẽ mâu thuẫn với lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ khó khăn về tài chính”.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang phải áp dụng chính sách giảm chi phí hành chính, cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự ở mức 10-20%.