Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục họp phiên 23 nhằm cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trên cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, đảm bảo đúng tính chất thí điểm đối với một số nội dung cụ thể trong không gian và thời gian phù hợp. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết.
Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo nghị quyết nhằm phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 trở thành thành phố năng động, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thành phố dịch vụ, công nghệ hiện đại, đầu tầu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước.
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng thời cho rằng, đối với các chính sách cho các dự án BT, BOT cần quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn, đánh giá kỹ tác động để có quy định về điều kiện được thực hiện, đảm bảo cân đối ngân sách, quyền lợi của người dân, tạo sự đồng thuận, công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện, mất an ninh, trật tự
Trước đó, cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, đồng bộ, kịp thời. Việc thu ngân sách đạt hơn 591 nghìn tỷ đồng trong 2021, vượt 17,2 % dự toán là cố gắng lớn trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 214 nghìn tỷ đồng. Kỷ luật thu chi ngân sách Nhà nước từng bước được thực hiện cải thiện.
Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách, đồng thời chỉ rõ một số bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục như báo cáo quyết toán chậm, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!