Tạo thuận lợi tối đa cho thu hoạch, thu mua lúa

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 16/08/2021 13:43 GMT+7

VTV.vn - Tháo gỡ khó khăn cho thu hoạch, thu mua lúa đang là vấn đề được ngành nông nghiệp tập trung tìm giải pháp.

Vụ lúa Hè Thu ở ĐBSCL đến nay mới thu hoạch được hơn một nửa trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. Trong khi đó, thu mua đang ách tắc, sản lượng thu mua sụt giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ nay đến cuối năm, ĐBSCL sẽ là một dòng chảy liên tục của 3 vụ lúa. Chỉ cần đứt gãy 1 vụ sẽ ảnh hưởng đến các vụ sau và ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và kế hoạch xuất khẩu.

Trong khi đó hiện nay, lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân.

Khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 - 600 đồng/kg.

Tạo thuận lợi tối đa cho thu hoạch, thu mua lúa - Ảnh 1.

Vụ lúa Hè Thu ở ĐBSCL đến nay mới thu hoạch được hơn một nửa trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phía các doanh nghiệp thu mua cũng đang mong muốn chuỗi vận chuyển logistics sớm được cải thiện, để có thể nhanh chóng đẩy mạnh thu mua cho nông dân trong thời gian sắp tới.

Ruộng lúa hơn 1 mẫu của anh Thái Văn Thành (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) còn khoảng tháng nữa sẽ bước vào thu hoạch. Làm vụ Thu Đông sớm, mưa gió trong suốt cả vụ là chuyện được anh Thành dự đoán từ trước. Tuy nhiên điều anh không dự đoán được cho mùa này là tình hình COVID -19 đang diễn biến hết sức phức tạp ngay cận ngày thu hoạch.

"Chốt trạm kiểm soát chặt chẽ không di chuyển ra khỏi địa phương được. Trước thì có thương lái đến nhà để hỏi giá, giờ không thấy, thương lái không đến như mấy mùa trước", anh Thái Văn Thành chia sẻ.

Gáo Giồng là địa phương thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Cao Lãnh, điều kiện đi lại trước giờ cũng đã khó khăn. Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thương lái nếu muốn vào địa phương mua lúa phải có test nhanh, qua nhiều chốt kiểm soát, điều động máy móc, phương tiện cũng sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Đây có thể cũng là lý do khiến giá lúa tại đây có xu hướng giảm hơn so với những khu vực khác.

Từ giữa tháng 7, những lô hàng của Tân Long lên TP Hồ Chí Minh bị vướng do giãn cách xã hội, hàng xuất khẩu cũng phải chuyển về đóng tại kho thay vì tại bãi TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, giá cước xuất khẩu tăng mạnh trong thời điểm dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

"So với năm trước, cước container tăng gấp 3 - 4 lần đi châu Phi. Còn cước tàu thì tăng gấp đôi, nên chi phí cả người mua và người bán đều tăng", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung cho hay.

Hỗ trợ tiêu thụ lúa Hè Thu

Trước những khó khăn của ngành lúa gạo và bà con nông dân, các bộ ngành cũng đang ráo riết vào cuộc cùng tháo gỡ.

"Huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ đều đã giải quyết được. Có những tỉnh cấp mã số luồng xanh còn chậm do ảnh hưởng về công nghệ thông tin. Máy móc đã sẵn sàng, thương lái sẽ được tiêm vaccine. Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị kho bãi...", Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa yêu cầu các ngân hàng khu vực ĐBSCL đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng hạn mức tín dụng cho thương nhân, doanh nghiệp để thu mua thóc, gạo cho nông dân.

Tuy hoạt động chế biến, xuất khẩu còn gặp nhiều vướng mắc, chưa thông suốt, nhưng được cho vay mua lúa vào thời điểm này là rất cần thiết. Bởi tạm trữ để có nguồn hàng ổn định, chủ động xuất khẩu khi giá tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa.

Còn đối với bà con nông dân tại các địa phương, cũng rất cần tới sự chủ động, linh hoạt trong cách thức thu hoạch và thu múa lúa.

Biệt đội chăm sóc lúa lúc giãn cách xã hội

Anh Hồ Văn Cường chuẩn bị sẵn số thuốc gửi cho tổ dịch vụ khi lúa nhà mình đã tới đợt phun xịt. Nhà ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, trong khi 1 ha đất canh tác lúa lại nằm ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, nên kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, anh Cường chưa một lần được bước qua thăm ruộng. Tổ dịch vụ nông nghiệp chính là cánh tay hỗ trợ cho anh và nhiều bà con nông dân khác trong thời điểm này.

Tạo thuận lợi tối đa cho thu hoạch, thu mua lúa - Ảnh 2.

Giá lúa gạo tại ĐBSCL đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500 - 600 đồng/kg. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tổ dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ cho người xâm canh xã Láng Biển có 9 thành viên, tất cả đều đã được địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bình quân mỗi ngày, tổ có thể phục vụ khoảng 10 chủ ruộng, tăng gấp nhiều lần so với trước lúc giãn cách xã hội. Ngoài ra, tổ cũng chủ động chụp hình, quay phim để chủ ruộng biết được tình hình cây lúa của mình.

Hiện tại, toàn bộ 13/13 xã thị trấn trên địa bàn huyện Tháp Mười đều đã thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp. Đầu mối liên hệ sẽ là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội nông dân mỗi xã.

"Người nông dân rất đồng tình với giải pháp không đi đến đồng ruộng, nhưng đồng ruộng mình vẫn được chăm sóc. Đến thu hoạch, nếu dịch bệnh vẫn còn diễn ra, cần phải giãn cách xã hội thì huyện cũng có giải pháp, ngoài tiêm vaccine, thì test nhanh hoặc xét nghiệm PCR để các lực lượng này đảm bảo an toàn", Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) Lê Văn Ngọt nói.

Tổ chức tốt hoạt động của các tổ dịch vụ nông nghiệp sẽ là chìa khóa để các địa phương vừa duy trì tốt sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Khơi thông ách tắc thu mua, tiêu thụ lúa gạo Khơi thông ách tắc thu mua, tiêu thụ lúa gạo

VTV.vn - Vụ lúa Hè Thu tại các tỉnh ĐBSCL đang đến kỳ thu hoạch, nhưng thiếu nhân công, máy móc hạn chế. Trong khi đó, thu mua lúa gạo đang ách tắc, sản lượng thu mua sụt giảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước