Tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định, những con tàu vỏ thép được đóng với kinh phí gần 20 tỷ đồng, theo thiết kế sẽ đi biển được ít nhất 30 năm. Thế nhưng, sau vài lần ra khơi, nhiều tàu đã hư hỏng nặng, vỏ bong tróc, máy thường xuyên chết. Nhiều ngư dân cho rằng, các đơn vị đóng tàu đã sử dụng vật liệu không đúng thiết kế, nên ảnh hưởng đến chất lượng các con tàu.
Hơn 1 tháng nay, tàu cá của ông Lý (ngư dân tỉnh Bình Định) không thể ra khơi được, ông cho biết mới đi biển được vài lần đã gặp sự cố. Máy móc thường xuyên chết, thành tàu rỉ sét, bóng tróc, nên ông không dám ra khơi.
Để làm rõ thực hư câu chuyện, phóng viên tìm đến doanh nghiệp đóng chiếc tàu của ông Lý. Theo bản khai toán giá thành của con tàu. Tất cả các hạng mục vật liệu tôn tấm dùng làm vỏ tàu được ghi rõ, có xuất xứ từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Thế nhưng, theo biên bản kiểm tra từng phần của Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá, hạng mục vật liệu làm vỏ tàu lại là tôn tấm, mác thép loại A, khác với ghi trong bản khai toán.
Theo đại diện doanh nghiệp, việc thay đổi nguyện liệu chỉ trao đổi với người dân bằng miệng. Song, trong hợp đồng đóng tàu ghi rõ, nếu doanh nghiệp đóng tàu thay thế vật liệu, vì lý do không mua kịp, thì phải thông báo bằng văn bản cho người dân. Còn về máy chính, trong bản khai toán cũng ghi rõ, máy chính và hộp số, các cụm sinh hàn phải do Nhật Bản sản xuất. Nhưng, theo biên bản nghiệm thu kỹ thuật của Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá, hộp số lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trở lại con tàu của ông Lý, ông tính toán để sơn lại vỏ, sửa chữa máy, chắc phải mất cả trăm triệu đồng. Một khoản tiền quá sức đối với gia đình ông vì đã dốc hết tiền để đóng tàu. Nhưng nếu chậm sửa, tàu nằm bờ thì ông không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!