Tết 2022, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao

VTV Digital-Thứ năm, ngày 27/01/2022 06:19 GMT+7

VTV.vn - Hầu hết các siêu thị cho biết, năm nay người dân có xu hướng sắm Tết sớm hơn mọi năm, cùng thời điểm với các chương trình khuyến mại được triển khai từ sớm.

Người tiêu dùng chia sẻ rằng họ lo ngại dịch bệnh, tâm lý là sợ đến chỗ đông người và lo ngại thiếu hụt hàng hóa khi mua sắm gấp gáp vào những ngày cuối năm. Do đó, họ đã có xu hướng mua sắm Tết từ sớm, khoảng 15 tháng Chạp

Ghi nhận tại các siêu thị năm nay, hàng hóa rất đầy đủ, đa dạng chủng loại, giá cả được cam kết bình ổn. Tuy nhiên năm nay, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao hơn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, những chiếc xe hàng đã không còn đầy ắp.

Sắm Tết đơn giản, chỉ mua những đồ thiết yếu. Đó là phương châm chi tiêu của nhiều người tiêu dùng trong mùa xuân này. Bánh kẹo, quà biếu, thực phẩm tươi sống và rau xanh là những mặt hàng được họ lựa chọn trong những ngày này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có xu hướng mua chung cùng người thân, bạn bè để nhận được mức giá tốt hơn.

Tết 2022, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao  - Ảnh 1.

Người dân mua sắm các sản phẩm bánh, kẹo tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)

"Năm nay xu hướng mua sắm đa số dịch chuẩn vào các mặt hàng mang nhiều giá trị cho người tiêu dùng, mức giá vừa phải, đáp ứng nhu cầu tiết kiệm của người dân. Trong quá trình mua sắm, chúng tôi ghi nhận khách hàng đã mua nhiều hơn, họ mua cho người thân, cho đồng nghiệp", ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Khối cửa hàng Big C & Go khu vực miền Bắc, cho biết.

Mặc dù giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng hơn mọi năm, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp bán lẻ vẫn nỗ lực duy trì, bình ổn giá bán. Hàng Việt năm nay cũng được lòng người tiêu dùng hơn khi có giá cả hợp lý.

Các hệ thống siêu thị cũng cho biết khi lên kế hoạch dự trữ hàng Tết từ cách đây 1 đến 3 tháng, họ cũng rất lo lắng về sức mua năm nay. Tuy nhiên trước những nhìn nhận lạc quan về sự hồi phục kinh tế và mong muốn của người dân về cái Tết cổ truyền đủ đầy, các siêu thị đã duy trì bằng hoặc hơn mức dự trữ hàng hóa của năm ngoái. Diễn biến của thị trường hiện tại đã tháo gỡ hoàn toàn những lo ngại trên.

Người dân chuộng sắm Tết online

Bên cạnh việc mua sắm trực tiếp, năm nay dịp Tết cổ truyền cũng chứng kiến sự dịch chuyển mua hàng online. Hầu hết các siêu thị đều ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm trực tiếp giảm đi phần nào. Tuy nhiên lượng khách hàng mua sắm online tại một số siêu thị có thể tăng đến 300%. Các nhân viên siêu thị, đóng gói, nhân viên giao nhận cũng phải làm việc hết công suất.

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm online, các siêu thị đã triển khai dịch vụ đi chợ hộ, đặt hàng qua các ứng dụng mobile banking, ví điện tử hay QR code, áp dụng nhiều ưu đãi cho các khách hàng mua sắm trực tuyến.

Đây là năm đầu tiên chị Như (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đón Tết tại Hà Nội cùng với gia đình chồng. Tất bật sửa soạn bánh mứt cho Tết cổ truyền, chị Như cho biết thường xuyên mua hàng online và sắm Tết lần này chị mua hầu hết qua mạng.

"Người bán online uy tín, nhiều mẫu mã hiện đại. Hầu hết đồ Tết tôi để mua qua online", chị như chia sẻ.

Một số sàn thương mại điện tử ghi nhận lưu lượng khách hàng mua tại chợ Tết truyền thống trên sàn tăng gấp 3 lần. Các sản phẩm cá kho làng Vũ Đại, cam sành Hà Giang, thanh long Long An được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Tết 2022, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao  - Ảnh 2.

Nhiều người dân chuộng mua sắm Tết qua mạng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo nghiên cứu của Nielsen, dịch bệnh đã khiến người tiêu dùng dịch chuyển mua hàng online, 30% người tiêu dùng lần đầu tiên mua hàng trực tuyến và những người đã từng mua lại tiếp tục mua nhiều hơn.

Đại diện Nielsen cũng chỉ ra những quan ngại của người tiêu dùng khi mua hàng online về việc hàng hóa có đúng như quảng cáo, giao hàng có nhanh và đảm bảo nguyên trạng hàng hóa hay không. Doanh nghiệp cần lưu ý những băn khoăn của khách hàng, gia tăng trải nghiệm về mặt dài hạn và xây dựng thương hiệu kênh online.

Trưng bày nhận diện hàng hóa Tết thật - giả

Tết đến khi nhu cầu mua hàng tăng cao cũng là lúc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lộng hành trên thị trường. Để kiểm soát hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường liên tiếp có những đợt ra quân để kiểm soát thị trường hàng hóa.

Điểm mới trong năm nay là sự xuất hiện của không gian trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả với chủ đề tiêu dùng Tết thông thái được Bộ Công Thương khai mạc tại phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Trên 400 sản phẩm là rượu, bánh kẹo, thuốc lá, túi xách được trưng bày tại sự kiện. Bên cạnh các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ, nhiều sản phẩm thật của các nhà sản xuất trong và ngoài nước cũng được trưng bày tại đây để người tiêu dùng có cơ sở nhận diện đâu là hàng thật, đâu là hàng vi phạm.

Nhiều người tiêu dùng tham quan không gian trưng bày chia sẻ, với những mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, mứt Tết, khi nhìn nhận chỉ bằng cảm quan bên ngoài rất khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, nhất là khi hiện nay họ mua hàng hóa trên nhiều kênh như chợ, siêu thị, hay mua sắm qua online. Việc có một không gian trưng bày như thế này sẽ giúp người tiêu dùng sắm Tết một cách tốt hơn.

Chợ hoa Tết: Nơi “ế khách”, chỗ “cháy hàng” Chợ hoa Tết: Nơi “ế khách”, chỗ “cháy hàng”

VTV.vn - Những ngày gần đây, dọc các con phố ở Hà Nội, nhiều loại hoa đã được mang ra bày bán. Hoa Tết rực rỡ khắp mọi nơi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước