Tham gia sản xuất khoai tây bền vững, nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/03/2023 15:00 GMT+7

VTV.vn - Tại các tỉnh Tây Nguyên, mô hình đối tác công tư trong sản xuất khoai tây bền vững đã được triển khai 4 năm nay.

Mô hình này do Cục Trồng trọt cùng hai công ty Pepsico và Syngenta phối hợp thực hiện. Nông dân được hỗ trợ cả giống, phân bón, kỹ thuật. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 năm, sản lượng khoai tăng gần gấp đôi, còn lợi nhuận của bà con tăng gấp 4 lần. Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được tiết giảm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hơn một năm nay, ông Hùng (xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai) tham gia mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững. Chỉ hơn 3 tháng, khoai tây đã cho thu hoạch. Một năm có thể trồng 3 vụ. Năng suất khoai tây lên tới 30 tấn một ha. Trừ chi phí, ông có lãi khoảng 600 triệu mỗi vụ trên cánh đồng 6 ha.

"Công ty hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Bà con cũng không phải suy nghĩ vốn đầu tư. Giá cả cũng đã được hợp đồng rõ ràng, ổn đinh. Qua 2 vụ thấy có lãi, giờ trồng tiếp vụ 3", ông Dương Ngọc Hùng, Xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai, chia sẻ.

Tham gia sản xuất khoai tây bền vững, nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Sau 4 năm triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững, sản lượng khoai tăng gần gấp đôi, lợi nhuận của bà con tăng gấp 4 lần. (Ảnh: VOV)

Ở mô hình này, nông dân không còn phải lo chuyện được mùa mất giá. Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 lần so với trước. Công nghệ tưới nước kết hợp bón phân qua ứng dụng thông minh cũng giúp tiết kiệm gần 18% lượng nước tưới và 11% lượng phân bón.

"Hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất cũng như kỹ thuật bảo vệ thực vật làm sao để nông dân sử dụng thuốc một cách an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm; nghiên cứu kỹ giải pháp bảo vệ thực vật làm sao khi đưa vào ứng dụng có hiệu quả cao nhất, mang lại lợi ích cho nông dân", ông Phạm Huy Thắng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển nông dược, Công ty Syngenta Việt Nam, cho biết.

"Khi sản xuất tập trung tạo thuận lợi cho nhà máy cũng như các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm khoai tây. Do đó, mô hình sản xuất khoai tây tập trung có triển vọng đối với vùng Tây Nguyên", ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá.

Việc hợp tác chặt chẽ trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ khoai tây còn giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

"Không chỉ ổn định được nguồn cung, mà còn đảm bảo được chất lượng của khoai tây. Vvì khoai tây trồng ở khu vực này, với công nghệ mới được áp dụng không chỉ cao hơn các khu vực châu Á, mà còn cao hơn cả khoai tây nhập từ châu Âu và Mỹ", ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam, cho hay.

Đến nay, mô hình sản xuất khoai tây bền vững đã được triển khai ở 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai với diện tích gần 1.300 ha. Dự án đặt mục tiêu trong 2 năm tới, 2.000 ha khoai tây chất lượng cao sẽ được hình thành.

Giá khoai tây tăng gấp rưỡi sau khi đăng ký thương hiệu Giá khoai tây tăng gấp rưỡi sau khi đăng ký thương hiệu

VTV.vn - Sau khi đăng ký thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc, giá khoai tây của HTX Nông nghiệp Hương Ngải, Hà Nội, đã tăng gấp rưỡi so với khoai của vùng lân cận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước