Tham gia sâu vào các FTA để tiếp cận nguồn hàng giá rẻ và công nghệ

Kate Trần-Thứ tư, ngày 11/12/2024 20:02 GMT+7

Thực thi các FTA giúp kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu gia tăng nhanh chóng. Ảnh: TL

VTV.vn - Tham gia các FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến, các yếu tố đầu vào cần thiết từ các quốc gia tiên tiến.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Chiến nhấn mạnh tại Hội thảo quốc gia để bàn về thực trạng và giải pháp quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA diễn ra ngày 11/12. 

FTA hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Việc tích cực đàm phán ký kết FTA trong thời gian qua đã giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ kinh tế, thương mại với các nước, qua đó các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, chú ý nhiền hơn đến thị trường Việt Nam, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nội dung cam kết trong các FTA cũng có những điều khoản liên quan trực tiếp đến mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, việc Việt Nam ngày càng mở rộng lĩnh vực đầu tư và các nội dung của quy tắc xuất xứ trong các FTA cũng tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư từ các nước đối tác FTA vào Việt Nam.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có tất cả các nước phát triển, các nước thuộc nền kinh tế mới nổi và các nước trong khu vực như: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, CPTPP, UKVFTA, RCEP, EVFTA…nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP. Theo các chuyên gia, FTA thế hệ mới là bước phát triển mang tính đột phá của các hiệp định thương mại tự do, vượt qua giới hạn của FTA truyền thống cả về phạm vi cam kết lẫn mức độ yêu cầu thực thi.

"Thực tế cho thấy, quá trình thực thi các FTA thời gian qua đã tác động tích cực lên kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của bước ta và đạt được sự gia tăng nhanh chóng",  PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều (Học viện Tài chính) đánh giá.

Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2002 - 2012 là 1.036 tỷ USD thì trong giai đoạn từ 2013 - 2021 là 4.110 tỷ USD, tức là gấp 4 lần của 10 năm trước đó.

Trước đó, năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, tức là gấp 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 2002 – 2012 và tăng khoảng 50% so với bình quân năm của giai đoạn 2013 - 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024 đã là 681,14 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tham gia các FTA sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận các nguồn hàng giá rẻ, công nghệ tiên tiến, các yếu tố đầu vào cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu…từ các quốc gia phát triển với chất lượng tốt. "Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện được năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao cạnh tranh, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế và đặc biệt là tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Nguyễn Đình Chiến cho biết.

Nhiều cơ hội, thách thức đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, FTA thế hệ mới đã mang lại nhiều cơ hội cho thương mại nội ngành và quản lý thuế tại Việt Nam. Việc tận dụng những cơ hội này đòi hỏi phải có một chiến lược quản lý thuế linh hoạt, hiệu quả, đồng thời khắc phục những thách thức còn tồn tại để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Tham gia sâu vào các FTA để tiếp cận nguồn hàng giá rẻ và công nghệ - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo quốc gia để bàn về thực trạng và giải pháp quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA.

Đáng chú ý, chúng ta chứng kiến sự đa dạng hóa về các loại hình thương mại và các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử với hàng nghìn sàn thương mại điện tử đã làm khối lượng đơn hàng giá trị nhỏ xuất khẩu, nhập khẩu gia tăng ở mức độ vô cùng lớn trong vài năm gần đây. Chỉ tính riêng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử mỗi ngày trung bình có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ.

"Sự phát triển của thương mại điện tử đang tạo ra áp lực và thách thức rất lớn đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cả về phương thức quản lý, công nghệ quản lý và con người thực thi nhiệm vụ quản lý thuế, ông Thiều nhận định.

Do đó, để nắm bắt cơ hội và hạn chế được những khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, cần nhận diện rõ cơ hội và thách thức mà việc thực thi các FTA đặt ra. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần có những giải pháp cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế từ các FTA trong phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Giải bài toán cho doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cấp thiết. Bởi lẽ, kKhi thực thi các FTA, với các yêu cầu về chất lượng, công nghệ sản xuất hướng tới phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn và khó tính ở các đối tác trong FTA. "Doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh", TS. Nguyễn Đình Chiến khẳng định./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước