Tăng trưởng xanh được TP. Hồ Chí Minh xác định là chiến lược phát triển tương lai, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon. Ðể thực hiện được mục tiêu này, chính quyền thành phố đang tập trung ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh.
Doanh nghiệp đang tận dụng tốt cơ chế ưu đãi của TP. Hồ Chí Minh dành cho doanh nghiệp và sản phẩm xanh. Tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Thành phố, doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt doanh nghiệp đã "đi trước, đón đầu" trong "cuộc đua" chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo.
"Đầu tư công nghệ, chúng ta đầu tư về hệ thống quản trị thì yếu tố con người là yếu tố thứ 3, đòi hỏi nhân sự chúng ta phải có trình độ cao, phải có kĩ năng làm việc theo nhóm. Thì đây cũng cần chúng ta đào tạo, phải kiên trì để đưa vào trong hệ thống phát triển tốt hơn", ông Nguyễn Văn Đức - Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn cơ khí công nghệ cao Siba cho biết.
Ngành công nghiệp tái chế nhựa vốn bị gắn mác làm ô nhiễm môi trường, song nhờ chính sách hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sẽ xóa đi định kiến đó. Chấp nhận đi con đường khó, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư 60 triệu USD để xây dựng nhà máy với công nghệ "bottle to bottle", đem lại vòng tuần hoàn lên tới 50 lần cho chai nhựa, hướng tới sản xuất xanh một cách bài bản. Nhờ những bước đi mạnh dạn trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ tín dụng xanh của HSBC.
Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Tái chế nhựa Duy Tân thông tin: "Khi thế giới đã phát triển lên một tầm xanh thì họ yêu cầu doanh nghiệp phải có những chứng chỉ xanh để có thể xuất khẩu sang Mỹ hoặc châu Âu. Đấy là cái minh chứng rõ ràng cho việc kinh tế xanh không phải là nhu cầu mà đó là một bắt buộc khi chúng ta tiến vào sân chơi thế giới".
Cam kết hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Bởi TP. Hồ Chí Minh đã và đang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nên doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
"Chúng tôi thấy Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra Quỹ nghiên cứu Khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp đang quan tâm nghiên cứu những vấn đề thuộc về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Chúng tôi nghĩ rằng người tiêu dùng cũng cần ủng hộ những đổi mới này", ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững cho biết.
Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng những khung chính sách đồng bộ, thiết thực, bám sát thực tiễn. Đây là cơ sở để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!