Người dân làng hoa Hà Đông, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đông. (Ảnh: TTXVN)
Đà Lạt hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung ứng hoa của cả khu vực Đông Nam Á. Đây là nhận định của các chuyên gia. Thế nhưng, hiện tại, mới chỉ có khoảng 10% lượng hoa trồng Đà Lạt được xuất khẩu. Một rào cản cần phải tháo gỡ để đẩy mạnh xuất khẩu hoa chính là vấn đề bản quyền giống hoa.
Hiệp hội quốc tế về bảo vệ giống cây trồng UPOV - một tổ chức liên Chính phủ ra đời vào năm 1961. Ngay từ thời điểm đó đã có công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng. Nhiều quốc gia tham gia Công ước UPOV sẵn sàng từ chối nhập khẩu hoa nếu vi phạm bản quyền về giống.
Hoa Đà Lạt để xuất khẩu, bên cạnh phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng, kiểm dịch thực vật thì cũng phải chứng minh về nguồn gốc giống hoa có bản quyền. Đây là điều bình thường trong ngành thương mại hoa thế giới.
Với nông dân trồng hoa Đà Lạt, mối quan tâm đầu tiên trong canh tác là chọn giống hoa nào để bán được giá trên thị trường. Còn nguồn gốc giống hoa từ đâu? Có vi phạm bản quyền giống hoa hay không thì gần như không mấy ai để ý.
Mỗi năm, vùng trồng hoa Đà Lạt chi ra 50 triệu USD để nhập giống hoa. Tất nhiên, trong số đó, có những giống hoa đã hết thời gian bảo hộ bản quyền, nghĩa là được dùng miễn phí nhưng cũng có những giống hoa đang được bảo hộ. Điều đáng nói, nông dân lại không thể biết đâu là giống hoa đòi hỏi bản quyền. Đây cũng là lý do khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn liên kết với nông dân Đà Lạt để trồng hoa xuất khẩu, không khỏi e ngại.
Nếu không sớm chủ động giống hoa có bản quyền thì cũng đồng nghĩa nông dân trồng hoa Đà Lạt mất đi cơ hội nâng giá trị hoa nhờ xuất khẩu. Thực tế trong thời gian qua, đã có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu hoa buộc phải tiêu hủy hoa cũng như chịu khoản phạt bởi đã vô tình dùng giống hoa sao chép lậu, không bản quyền.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!