Được ví như mạch máu của nền kinh tế, đây cũng là nội dung luật ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu Quốc hội. Không ít đại biểu bày tỏ lo ngại về tiến độ dự án, do đó, có ý kiến ủng hộ áp dụng các cơ chế đặc thù, từ công tác chỉ định thầu tới việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành 1 dự án riêng.
Cùng với những cơ chế phù hợp hơn, không ít kỳ vọng các dự án tiếp sau sẽ có thể khơi thông được nguồn lực tư nhân.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho biết: "Theo tôi, vẫn có 4 dự án vẫn có thể PPP dù đang vướng ở tỷ lệ vốn nhà nước. Có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ phần giải phóng mặt bằng ra khỏi tổng vốn đầu tư, lúc đó phần vốn nhà nước sẽ không vượt quá".
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nói: "Luật PPP có rồi nhưng chúng ta chưa thành công thu hút các nhà đầu tư vào vì chưa hấp dẫn, chưa tìm thấy điểm hòa đối với các nhà đầu tư. Vì vậy tới đây phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Tôi kiến nghị Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư giao thông, có thể cho các nhà đầu tư tư nhân vay".
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định sẽ tính toán tiết kiệm nhất, và đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn đảm bảo thận trọng, có cơ chế thanh kiểm tra minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nói: "Chúng tôi rút bài học kinh nghiệm của giai đoạn I, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu. Ở giai đoạn 1, C01, C03 đã tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án tổ chức đấu thầu, sắp tới có thêm kiểm toán nữa thì rất tốt".
Trong ngày 11/1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự án luật trong kỳ họp bất thường lần này, bao gồm cả Nghị quyết về chủ trương Đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!