Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/03/2024 11:24 GMT+7

VTV.vn - Với gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội, đến thời điểm này, các địa phương mới công bố được 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay giảm so với cuối năm ngoái. Lượng tiền gửi trong các tổ chức tín dụng còn rất lớn, gần 14 triệu tỷ đồng. Nhưng vì sao hàng loạt doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh?

5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá với ngành ngân hàng

Nguồn vốn kinh doanh là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất kinh doanh cao… Và trong đó, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn vay là khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 - tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra cách đây ít ngày, khó khăn này tiếp tục được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể với ngành ngân hàng.

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cố gắng, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; các doanh nghiệp cũng cơ cấu lại hoạt động phù hợp tình hình; các tổ chức tín dụng cũng góp phần chia sẻ với doanh nghiệp để có dòng vốn lưu thông tốt hơn. Đó là những nỗ lực rất đáng trân trọng, ghi nhận, biểu dương.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm không cao, dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn, hơn 13,6 triệu tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và lãi suất cho vay còn cao. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro, một số vụ việc, như vụ SCB, cho thấy việc giám sát phải chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Sau khi phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng, chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới được khái quát bằng "3 cái năm", đó là "5 tăng", "5 giảm", "5 tăng tốc, bứt phá".

"Năm tăng gồm: tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm giảm gồm: giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau".

Năm tăng tốc, bứt phá gồm: tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ

Với gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội, đến thời điểm này, các địa phương mới công bố được 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng. Với các chủ đầu tư, vướng mắc nằm ở cả thủ tục vay vốn lẫn thủ tục xây dựng dự án.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng dự án nhà ở xã hội mong muốn dùng chính dự án đang triển khai để thế chấp. Tuy nhiên, do là nhà ở xã hội, các ngân hàng có phần e ngại về giá trị và trình tự khi cần phát mại tài sản. Doanh nghiệp nếu không có tài sản khác để đem ra thế chấp thì việc vay vốn cũng không dễ dàng.

Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Cát Tường - cho biết: "Thông thường, các nhà ở xã hội phải có 20% diện tích giữ lại cho thuê sau 5 năm mới có quyền chuyển nhượng. Đây là phần đang nằm dưới sự quản lý của chủ đầu tư, cũng là một nhóm tài sản để mà chủ đầu tư có thể đảm bảo. Sau 5 năm, doanh nghiệp mới bắt đầu bán nhóm nhà này. Vậy thời gian trả nợ gốc phù hợp nhất là sau 5 năm".

Ngoài ra, việc địa phương chậm giao đất sạch cũng khiến các dự án khó đáp ứng được điều kiện vay vốn. Chưa kể có trường hợp vướng dịch COVID-19, thời gian triển khai dự án kéo dài hơn so với cấp phép ban đầu và cần được gia hạn đầu tư thì mới đủ tính pháp lý để vay vốn. Nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - cho rằng: "Vấn đề là thực hiện tại các địa phương. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu địa phương nào có sự quan tâm đến nhà ở xã hội thì địa phương đó sẽ thuận lợi trong quá trình triển khai. Thời gian giải quyết các thủ tục là chìa khoá quan trọng để tăng nguồn cung nhà ở xã hội".

Hiện tại, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát và làm rõ nguyên nhân khiến dự án không đủ điều kiện vay vẫn còn rất lớn, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các chính sách đi kèm nhằm sớm đưa Luật Nhà ở năm 2023 vào thực tiễn để giải toả nhiều vướng mắc lâu nay.

Hơn 500.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi

Ngay tại thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã có có những bước đi cụ thể để tăng cường kết nối hiệu quả hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Trong năm nay, sẽ có gần 510 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu thông qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là gói tín dụng ưu đãi có quy mô cao nhất từ trước đến nay, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác được hỗ trợ cả về vay vốn, lẫn ưu đãi lãi suất

20.000 tỷ đồng là quy mô gói tín dụng mà một ngân hàng đăng ký tham gia chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh năm nay. Con số này sẽ được điều chỉnh tăng dựa trên tốc độ giải ngân thực tế. Mức lãi suất cho vay thông qua chương trình này sẽ thấp hơn từ 1- 2% so với cho vay thông thường, cùng nhiều ưu đãi.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn năm nay thu hút sự tham gia của 17 thương hiệu ngân hàng. Số vốn đăng ký gần 510 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12% so với quy mô triển khai năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh - cho rằng: "Nếu tổ chức thực hiện giải ngân gói này thì sẽ mang lại trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt chi phí vay vốn, về mặt cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm nợ vay và đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Lãi suất cho vay thông qua chương trình kết nối, dựa trên lãi vay cho 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, khoảng 4% đối với các khoản vay ngắn hạn và 9%/năm với các khoản vay trung, dài hạn. Lãi suất này sẽ không cố định mà được điều chỉnh theo diễn biến thị trường nhưng sẽ đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ.

Theo các doanh nghiệp, mức lãi suất thấp đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ghi nhận qua các năm, doanh số gói tín dụng của chương trình kết nối, quy mô thực hiện thường cao hơn so với mức đăng ký đầu năm cho thấy hiệu quả của chương trình.

Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó bàn thảo tìm giải pháp gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch... Như vậy là gói tín dụng hỗ trợ cho nhà ở xã hội sẽ được thúc đẩy triển khai trong thực tế.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% trong năm nay như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi những tháo gỡ và triển khai thực hiện từ cả phía Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước