Tháo nút thắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

VTV Digital-Thứ năm, ngày 19/09/2024 15:36 GMT+7

VTV.vn - Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ không cần ký quỹ 100% trước khi mua cổ phiếu tại thị trường Việt Nam.

Nội dung trên có trong Thông tư số 68 của Bộ Tài chính vừa ký ban hành chiều 18/9. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11 năm nay. Đây cũng là nút thắt lớn nhất trong hơn 6 năm qua khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Tại thời điểm đặt lệnh, tại thời điểm khớp lệnh nhà đầu tư nước ngoài chưa cần có tiền trong tài khoản, đến ngày thanh toán T+2 thì mới cần chuyển tiền thanh toán và nhận được cổ phiếu. Trong trường hợp vì muộn, vì chậm, vì lỗi kỹ thuật mà chưa có tiền thì các công ty chứng khoán sẽ thực hiện thay.

Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI cho biết: "Các công ty chứng khoán với năng lực của mình sẽ tạm thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm đó để đảm bảo an toàn hệ thống, chuyển cổ phiếu đó vào tài khoản tự doanh và thực hiện bán ra thị trường để đúng nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, toàn bộ lỗ hay lãi là trách nhiệm của công ty chứng khoán".

Sau đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ hoàn thành nghĩa vụ với công ty chứng khoán. Theo giá trị giao dịch hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 2.000 tỷ đồng/ngày thì mỗi công ty chỉ cần khoảng 40 tỷ đồng, con số không đáng kể so với năng lực vốn hàng chục nghìn tỷ hiện nay. Cơ quan quản lý sẽ ngay lập tức gặp các tổ chức để cập nhật về các quy định pháp luật mới của Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thùy Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin: "Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp đón các đoàn xếp hạng, đồng thời cùng với các tổ chức đầu tư lớn là những người sẽ tham gia vào quá trình đánh giá xếp hạng đôi với thị trường chứng khoán Việt Nam".

Tháo nút thắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ không cần ký quỹ 100% trước khi mua cổ phiếu tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa.

Các công ty chứng khoán dựa vào năng lực vốn, dựa vào thanh khoản sẽ được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp hạn mức để đáp ứng nhu cầu giao dịch của các tổ chức nước ngoài, tỷ lệ vào khoảng 10 - 15% vốn chủ sở hữu. Việt Nam sẽ có thời gian 1 năm để các nhà đầu tư tổ chức trải nghiệm và đánh giá về hiệu quả trong giao dịch thực tiễn.

"FTSE Russell không quy định cụ thể số lượng hay tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài phản hồi hài lòng với quy trình mới, tuy nhiên có thể hiểu rằng phải hầu hết các nhà đầu tư có thể giao dịch không gặp trở ngại thì vấn đề prefunding mới được coi là giải quyết thành công trên thực tế", bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cho hay.

Sớm nhất thì đến tháng 9/2025 thì Việt Nam mới được FTSE Russell kết luận đủ tiêu chuẩn nâng hạng hay không. Ngay lúc này, Việt Nam cũng là quốc gia chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 30% tổng tài sản quản lý của thị trường cận biên.

Dòng vốn của thị trường mới nổi gấp 200 lần thị trường cận biên, nên khi được nâng hạng dòng vốn vào Việt Nam có thể tăng thêm 7,2 tỷ USD và khoảng 25 tỷ USD đến năm 2030.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đây là thông tin trong báo cáo tháng 8 vừa qua của FTSE Russell. Dự kiến, vào ngày 8/10, kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên năm 2024 sẽ được công bố.

Loạt yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán “trầm lắng” Loạt yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán “trầm lắng”

VTV.vn - Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua một tuần giao dịch “trầm lắng”, điều này phản ánh sự thận trọng trước những diễn biến vĩ mô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước