Thất nghiệp - Cơn ác mộng của sinh viên Trung Quốc thời COVID-19

TTXVN-Thứ ba, ngày 19/05/2020 07:18 GMT+7

VTV.vn - Hàng triệu sinh viên tại Trung Quốc phải đối mặt với triển vọng nghề nghiệp u ám, trong bối cảnh nhiều công ty đang tăng cường cắt giảm nhân sự do tác động của COVID-19.

Tháng 6 này, các trường đại học ở Trung Quốc sẽ cho "ra lò" khoảng 9 triệu sinh viên tốt nghiệp, một con số cao kỷ lục.

Economist Intelligence Unit ước tính, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị có thể lên đến 10% trong năm nay, không tính hàng chục triệu người lao động di cư đang phải "yên vị" ở quê và hiện nhiều người trong số này không có việc làm để quay lại thành phố.

Năm 2019, chỉ hơn 50% người gia nhập lực lượng lao động của Trung Quốc là sinh viên tốt nghiệp đại học. Thường 60% trong số này sẽ được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng, nhưng năm nay, những doanh nghiệp này lại là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định, tình hình đối với các cử nhân tốt nghiệp năm nay rất "ảm đạm".

Thất nghiệp - Cơn ác mộng của sinh viên Trung Quốc thời COVID-19 - Ảnh 1.

Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ở thành thị có thể lên đến 10% trong năm nay. (Ảnh minh họa: Reuters)

Các doanh nghiệp thường bắt đầu đến các trường đại học để tuyển dụng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên năm nay, khi các trường đại học đóng cửa và chính phủ cấm tụ tập đông người, hoạt động tuyển dụng hoàn toàn bị hủy bỏ. Nhiều công ty tiến hành tuyển dụng trực tuyến, nhưng phần lớn đã cắt giảm hoạt động tuyển dụng do doanh nghiệp ngừng hoạt động và nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Theo kết quả cuộc khảo sát do Trường Quản trị Guanghua thuộc Đại học Bắc Kinh và trang web tìm kiếm việc làm Zhaopin phối hợp thực hiện với 1 triệu doanh nghiệp, số vị trí việc làm cần tuyển người trong quý I/2020 đã giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Dịch bệnh đã loại bỏ những công ty yếu kém và không đủ tiềm lực. Theo kết quả một cuộc khảo sát của nhật báo China Youth Daily, hơn 60% số người tham gia khảo sát cho biết dịch COVID-19 đã hướng họ đến những công việc "ổn định" hơn. Đối với nhiều người, điều này có nghĩa là tìm kiếm một công ty có liên quan đến nhà nước.

Giới chức Trung Quốc cũng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu này. Chính phủ đã hứa hẹn tuyển dụng nhiều hơn vào ngành dịch vụ công cũng như quân đội, đồng thời chỉ thị các doanh nghiệp nhà nước tăng cường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.

"Gã khổng lồ" dầu mỏ Sinopec sẽ tuyển thêm 3.500 nhân viên, bên cạnh 6.600 người đã được tuyển. Đây là con số tuyển dụng trong một năm lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp nhà nước khác cũng đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng cao kỷ lục. Họ chú trọng ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp từ tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch COVID-19. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các trường đại học cung cấp thêm 200.000 vị trí việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp.

Thất nghiệp - Cơn ác mộng của sinh viên Trung Quốc thời COVID-19 - Ảnh 2.

Tình hình việc làm đối với các cử nhân tốt nghiệp năm nay rất "ảm đạm". (Ảnh minh họa: Getty Images)

Do dịch COVID-19, giới chức Trung Quốc đã tham gia tích cực hơn vào việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên so với trước đây. Công ty quảng cáo Xinchao Media ở thành phố Thành Đô cho biết chính quyền thành phố đã đăng tuyển nhiều sinh viên tốt nghiệp cho các vị trí việc làm mà công ty đang tuyển dụng. Cũng như nhiều thành phố khác, Bắc Kinh đã lập ra một website tuyển dụng cho những sinh viên sắp tốt nghiệp.

Chính quyền nhiều địa phương khác ở Trung Quốc còn "treo thưởng" cho những doanh nghiệp tuyển sinh viên tốt nghiệp. Ở Thượng Hải, quận Phố Đông sẽ trợ cấp cho các doanh nghiệp và giảm phí an sinh xã hội lên đến 2.000 NDT (282 USD) cho mỗi sinh viên tốt nghiệp mà họ tuyển dụng. Trong khi đó, những nơi khác lại hoàn trả phí an sinh xã hội cho các doanh nghiệp không sa thải nhân viên.

Tốt nghiệp đại học vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay có thể là một "bước lùi" tạm thời. Chuyên gia Li Jin của Đại học Hong Kong cho biết, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình hình này có thể ảnh hưởng lớn đến thu nhập trong cả cuộc đời người lao động, vì nhiều người sẽ phải chấp nhận lựa chọn một hướng đi khác so với sự nghiệp mà họ đã từng kỳ vọng và theo đuổi, với mức lương thấp hơn.

Trung Quốc có đủ mạnh để “cõng” làn sóng thất nghiệp sau đại dịch? Trung Quốc có đủ mạnh để “cõng” làn sóng thất nghiệp sau đại dịch?

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đã khiến 10 triệu người Trung Quốc thất nghiệp, gây áp lực cho hệ thống phúc lợi và tạo ra nhiều thách thức cho Bắc Kinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước