Người mua hàng có thể đổi trả sản phẩm trong vòng 15 ngày. Người bán phải chịu phí vận chuyển hay người mua có thể huỷ đơn hàng khi ở trạng thái đang giao... Đây là một số chính sách mới mà các sàn thương mại điện tử vừa thay đổi.
Tại Việt Nam, lượng người dùng dịch vụ thương mại điện tử đã vượt mốc 50 triệu người. Các chính sách mới này để nâng cấp trải nghiệm cho người tiêu dùng cũng như để tăng chất lượng phục vụ từ các người bán hàng.
Anh Quốc Phong thường xuyên dành mỗi ngày hơn 1 tiếng đồng hồ để lướt các trang thương mại điện tử mua sắm và hơn 90% đồ dùng là mua online. Vì thế, khi anh biết được các chính sách bán hàng thay đổi như cho phép đổi trả hàng thời gian dài ngày thì rất đồng tình và cho rằng như vậy sẽ hỗ trợ mua sắm được sản phẩm tốt hơn.
Một nhà bán thực phẩm cho biết, khi các chính sách bán hàng mới áp dụng thì có chút lo ngại nhưng vẫn chủ động hoàn thiện lại khâu bán hàng để đảm bảo vận hành. Mặc dù khả năng huỷ đơn có thể tăng, phát sinh thêm chi phí nhưng bù lại nếu cung cấp sản phẩm chất lượng, người mua sẽ tin tưởng từ đó đặt hàng nhiều hơn, tránh được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khi mua hàng online.
Hiện nay, các sàn đã nâng cấp nhiều chính sách theo hướng kéo dài thời gian đổi trả hàng hóa, cập nhật một số biểu phí mới và tính năng mới giúp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm. Thậm chí, một số sàn không chỉ cho phép đổi trả hàng hóa trong 30 ngày mà còn hỗ trợ đổi trả trong 365 ngày cho các sản phẩm lỗi thuộc một số danh mục. Tuy nhiên, để tránh việc người mua trục lợi từ các chính sách mới như "bom hàng" thì cần công cụ bảo vệ người bán.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết: "Sử dụng công nghệ để có thể dễ dàng truy ra dấu vết những tài khoản người dùng trục lợi để xử lý hàng loạt tài khoản để hạn chế rủi ro cho nhà bán chân chính. Và doanh nghiệp cần xem rủi ro là một phần chi phí, so sánh với chi phí nhận được khi ta triển khai các dịch vụ có lợi đó để tăng cường thu hút nhiều khách hàng hơn".
Với các chính sách mới, ở một khía cạnh khác sẽ giúp cho nhà bán hàng dễ dàng quản lý đơn hàng, hàng hóa "quay đầu" nhanh hơn và đảm bảo thông tin được đăng tải rõ ràng để người mua quan tâm, lựa chọn mua hàng. Theo các chuyên gia, bài toán quản lý lợi nhuận của gian hàng cần phải làm thật chặt chẽ, tận dụng lợi thế của sàn, tệp người dùng online để tìm các giải pháp tồn tại và phát triển đường dài.
"Mạnh tay" quản lý thuế thương mại điện tử VTV.vn - 5 tháng đầu năm, ngành thuế cả nước thu được 50.000 tỷ đồng qua thương mại điện tử, bằng 51% so với cả năm 2023. Thu thuế từ 96 nhà cung cấp nước ngoài 15.600 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!