Thị trường bất động sản Hà Nội: Phân khúc nào phục hồi mạnh sau dịch?

PV-Thứ sáu, ngày 05/11/2021 19:09 GMT+7

VTV.vn - Sau những tháng dài gián đoạn do giãn cách xã hội kéo dài, thị trường bất động sản Hà Nội đã có sự phục hồi rõ rệt, nhất là ở loại hình căn hộ và nhà thấp tầng.

Điểm sáng thị trường căn hộ phía Tây

Savills Việt Nam cho biết, điểm sáng của thị trường căn hộ sẽ tiếp tục nằm ở khu vực phía Tây Thủ đô khi đây luôn là khu vực duy trì nguồn cung sơ cấp lớn nhất trong 5 năm qua.

Theo đó, triển vọng nguồn cung tương lai tại khu vực phía Tây tiếp tục với 26.300 căn từ 29 dự án, trong đó 81% là căn hộ hạng B và 16% là căn hộ hạng A.

Thị trường bất động sản Hà Nội: Phân khúc nào phục hồi mạnh sau dịch? - Ảnh 1.

Diễn biến thị trường căn hộ các tháng cuối năm có thể sẽ tích cực hơn so với các quý trước đó. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đáng chú ý, người mua càng ngày càng quan tâm về giá. Các căn hộ có giá trên 1.500 USD/m2 chiếm 66% nguồn cung mới của thành phố, tăng 32% theo năm.

Riêng trong 9 tháng của năm 2021, nhu cầu cho các sản phẩm có giá từ 1.500 USD/m2 đến 2.000 USD/m2 tăng và chiếm 50% số lượng căn bán được. Các sản phẩm có giá chào bán cao nhất trên 3.000 USD/m2 tập trung chủ yếu ở các dự án hạng A tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Ba Đình.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills Hà Nội nhận định: "Thị trường căn hộ không tránh khỏi tác động tiêu cực do COVID-19. Tuy nhiên, Hà Nội đang kiểm soát dịch khá tốt, thêm vào đó lãi suất huy động tiền gửi ghi nhận mức thấp kỷ lục và các kênh đầu tư khác đang chưa thực sự hấp dẫn. Những dự án tốt có vị trí thuận lợi vẫn sẽ thu hút được các nhà đầu tư cũng như người sử dụng cuối cùng.

Vì vậy, chủ đầu tư cần có chiến lược bán hàng cùng giá mở bán hợp lý khi bung hàng ở thời điểm hiện tại. Nguồn cung có giá hợp lý vẫn được nhiều người mua quan tâm, trong khi đó nguồn cung giá cao trong thời gian vừa qua có lượng giao dịch khá hạn chế. Chủ đầu tư cũng nên đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn và tiến độ thanh toán linh hoạt để giảm áp lực tài chính cũng như thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng".

Diễn biến thị trường căn hộ các tháng cuối năm có thể sẽ tích cực hơn so với các quý trước đó, với việc tăng trưởng nguồn cung và phục hồi tỷ lệ hấp thụ, giá bán sơ cấp sẽ duy trì ổn định, thúc đẩy lượng giao dịch gia tăng trong quý IV năm 2021, bà Hằng dự báo.

Đồng quan điểm này, bà Đỗ Vân Anh, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam trước đó cũng nhận định, nguồn cung chào bán mới và doanh số bán trong năm 2021 dự kiến dao động trong khoảng từ 24.000 - 26.000 căn. Dự kiến sẽ có nhiều dự án nhà ở và khu đô thị mở bán trên nhiều khu vực khác nhau ở Hà Nội cả ở khu vực quận nội thành và các huyện ngoại thành sẽ giúp cho thị trường sôi động hơn. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp dự kiến sẽ tăng từ 4-6% theo năm trong năm 2021.

Sang năm 2022, nguồn cung căn hộ mở bán mới dự báo sẽ dao động từ 27.000-29.000 căn. Tuy nhiên, phân khúc hạng sang sẽ phụ thuộc vào dự án mới, phân khúc còn lại sẽ phát triển ổn định với mức từ 4-6% như những năm trước, bà Vân Anh dự báo.

Thị trường nhà thấp tầng sẽ hồi phục nhanh chóng

Cùng với thị trường căn hộ, sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội dự kiến cũng nhanh chóng hồi phục với nguồn cầu mạnh và nguồn cung lớn trong tương lai.

Ở lĩnh vực căn hộ bán, báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý 4/2021, thị trường Hà Nội có 11 dự án mới và những giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp khoảng 7.900 căn hộ. Trong đó, 87% nguồn cung tương lai là căn hộ hạng B và các quận/ huyện Từ Liêm, Gia Lâm và Hoàng Mai chiếm tổng số 81% thị phần.

Thị trường bất động sản Hà Nội: Phân khúc nào phục hồi mạnh sau dịch? - Ảnh 2.

Cùng với thị trường căn hộ, sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội dự kiến cũng nhanh chóng hồi phục. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Sự phát triển của các khu đô thị ngoài trung tâm được cho là sẽ tiếp diễn, làm rõ xu hướng chuyển dịch nguồn cung tương lai. Cụ thể, cùng với sự mở rộng của Hà Nội, năm 2017, nguồn cung tại các huyện Hoài Đức và Thanh Trì chỉ chiếm 6% - tới năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh cung cấp tới 30%.

Dự báo từ năm 2023 trở đi, các quận này sẽ chiếm 36% nguồn cung. Hà Nội dự kiến quy hoạch năm huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đan Phượng thành các quận nội thành vào năm 2025. Với quỹ đất lớn, các huyện này sẽ trở thành mục tiêu phát triển khu dân cư trọng điểm.

Ở lĩnh vực biệt thự và nhà liền kề, từ nay đến cuối năm, dự kiến có khoảng 650 căn từ sáu dự án sắp được ra mắt, chủ yếu ở huyện Hoài Đức và quận Từ Liêm. Vào năm 2022, khoảng 4.000 căn sẽ được tung ra thị trường với khu vực phía Tây chiếm 65% thị phần. Khu vực phía Tây dự kiến sẽ trở lại mạnh mẽ trong quý cuối năm nay cũng như trong năm 2022 với nhiều nguồn cung nhất.

Hiện nay, thị trường nhà ở thấp tầng chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án vẫn chưa được giải quyết. Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch và hàng tồn kho giá cao cũng là lý do khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Tuy nhiên đây là lĩnh vực được đánh giá có triển vọng phục hồi nhanh chóng và đạt mức giao dịch như trước đại dịch.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, tính thanh khoản trên toàn cầu được cải thiện với sự đa dạng trong sản phẩm. Ảnh hưởng của đại dịch đã dẫn tới sự thay đổi trong lối sống cũng như việc lựa chọn nhà ở. Sau một quý gián đoạn bởi giãn cách xã hội, thị trường nhà ở thấp tầng tại Hà Nội sẽ nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ với nguồn cung lớn trong tương lai và nguồn cầu mạnh minh chứng vào nửa đầu năm 2021.

Đối với thị trường thấp tầng, lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2021 trước khi giãn cách xã hội đạt ngưỡng khá tốt, cho thấy nguồn cầu của thị trường vẫn ở mức lớn. Trong quý cuối năm, giá bán dự kiến không có nhiều sự thay đổi do thị trường cũng đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian đầu năm.

Trên thực tế, nguồn cầu sẵn có cho bất động sản nhà ở tại Hà Nội nhìn chung rất lớn, được thúc đẩy bởi các yếu tố như sự tăng trưởng trong vốn sở hữu cá nhân, quá trình đô thị hoá nhanh chóng cũng như sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tiếp cận nhiều khu vực của thành phố.

Thậm chí ngay cả trong điều kiện COVID-19, Savills Hà Nội vẫn ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ đối với bất động sản nhà ở; trong các giao dịch được ghi nhận, phần lớn vẫn là từ vốn sở hữu cá nhân của các nhà đầu tư, ông Matthew Powell cho biết.

Bất động sản bắt đầu cuộc đua cuối năm Bất động sản bắt đầu cuộc đua cuối năm

VTV.vn - Theo giới quan sát, từ nay tới cuối năm, thị trường bất động sản giống như một chiếc lò xo bị nén chặt sẽ bật lên.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước