Thị trường carbon: “Cuộc chơi” quốc tế với thách thức nhiều, lợi ích lớn

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 06/10/2024 06:48 GMT+7

VTV.vn - Thị trường carbon là bước vào một cuộc chơi quốc tế với rất nhiều thách thức, áp lực song cũng đem đến vô vàn cơ hội và lợi ích.

Thị trường carbon là động lực quan trọng cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050, xây dựng nền kinh tế xanh theo xu hướng toàn cầu. Tham gia thị trường này là bước vào một cuộc chơi quốc tế với rất nhiều thách thức, áp lực song cũng đem đến vô vàn cơ hội và lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam khó có thể chối từ.

Thị trường carbon chính thức vận hành từ năm 2029

Thị trường carbon: “Cuộc chơi” quốc tế với thách thức nhiều, lợi ích lớn - Ảnh 1.

Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đã có khả năng cung cấp 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế

Nhận định về tiềm năng của thị trường carbon, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có cơ hội vì là một thị trường tín chỉ carbon mới và non trẻ trên bản đồ thị trường tín chỉ carbon trên thế giới, với dư địa hiện tại về tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng cũng như các ngành nông nghiệp còn rất lớn.

Việt Nam đã ghi nhận thành công bước đầu trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu với việc năm 2023 đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD.

Chia sẻ về lộ trình triển khai thị trường carbon của Chính phủ, ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2028 sẽ triển khai thí điểm trên toàn quốc. Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới. “Bắt đầu từ năm 2025, hơn 1.900 doanh nghiệp lớn, phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm tại Việt Nam có thể mua tín chỉ carbon trong nước, nếu các giải pháp chủ động chưa đủ để đạt các tiêu chuẩn giảm phát thải”, ông Tâm nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động từ năm 2018, khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên được đăng ký với một số tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới như theo tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS), hoặc Gold Standard (GS). Khoảng 2 năm gần đây, nhất là khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023, chủ đề này mới thực sự “nóng” lên và một số doanh nghiệp nước ta bắt đầu tập trung tìm hiểu để thực hiện. Hiện có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Thách thức nhiều nhưng lợi ích lớn 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc triển khai thị trường carbon thí điểm tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua giao dịch tín chỉ carbon và tham gia vào nền kinh tế xanh. Đây là cuộc chơi quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam khó có thể từ chối, mặc dù có rất nhiều thách thức nhưng cơ hội, lợi ích đem về cũng vô cùng lớn.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc thực hiện thị trường carbon đối mặt với không ít khó khăn đến từ các vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực; phương pháp; máy móc, thiết bị… Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp loay hoay, không biết thị trường sẽ được vận hành như thế nào giữa thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện. Hơn thế nữa, doanh nghiệp cũng lo lắng vì đầu tư tài chính cho công nghệ chuyển đổi xanh, giảm phát thải thường rất lớn, trong khi nguồn lực của doanh nghiệp thì hạn chế.

Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, hợp tác quốc tế là chìa khóa để mở thị trường carbon Việt Nam. Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước đã có thị trường carbon vận hành bài bản, thành công như: EU, Trung Quốc, Mỹ... Đồng thời, có thể thu hút và tận dụng dòng vốn đầu tư, công nghệ từ các đối tác quốc tế. Ngoài ra, để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam rất cần phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Việt Nam có chủ trương, chính sách rõ ràng về thị trường carbon, nhưng ách tắc ở khâu thực thi và hướng dẫn thực thi. Việt Nam cần tháo gỡ những rào cản này để đẩy nhanh lộ trình hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề cấp thiết, không nên chờ đến năm 2028.  

Khơi nguồn tài chính cho thị trường cabon

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 7/2024, đã có 48 quốc gia triển khai thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc. Bên cạnh đó là thị trường carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế thành lập. Dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ký thoả thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon.

“Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo và thị trường carbon, Việt Nam sẽ có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đột phá trong triển khai Đề án, sớm tiếp cận và theo kịp xu thế trên thế giới. Đây là cuộc chơi ai nhanh thì thắng, ai thông minh thì nắm bắt, tận dụng được cơ hội để từ đi sau, còn kém phát triển có thể vươn lên đi cùng và vượt lên", Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp, xác định cung - cầu của thị trường carbon trong nước, quốc tế; xây dựng khuôn khổ pháp lý trong tính toán, đo đạc, xác định các sản phẩm giao dịch trên thị trường carbon, như hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các loại tín chỉ carbon... làm căn cứ xây dựng phương án vận hành tổng thể sàn giao dịch trong nước cũng như điều kiện kết nối với thị trường quốc tế bảo đảm minh bạch, công khai./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước