Thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức năm 2022

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 28/12/2021 07:36 GMT+7

VTV.vn - Thị trường chứng khoán toàn cầu đang chuẩn bị khép lại năm 2021 với nhiều kỷ lục ấn tượng, và giá trị vốn hóa tăng thêm 60 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Financial Times, trong năm 2022, thị trường được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, từ lạm phát, lãi suất cho đến tác động của dịch bệnh COVID-19.

Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên mà thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ phải đối mặt là áp lực lạm phát tăng cao. Morgan Stanley dự báo, dù giá cả tiêu dùng có thể vẫn ở mức cao, nhưng mức tăng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022. Trong khi đó, công ty quản lý tài sản BlackRock dự báo lạm phát cao có thể vẫn sẽ kéo dài. Nếu điều này xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải nhanh chóng khóa chặt van bơm tiền, một động thái có thể khiến giới đầu tư lo ngại.

Ông David Folkerts Landau, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Deutsche Bank, nói: "Nếu lạm phát không thuyên giảm, các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn, qua đó tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính và có thể gây ra sự suy giảm kinh tế lớn".

Thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức năm 2022 - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Mỹ - thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới đã ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2021, khi cả 3 chỉ số chính đều đạt mức tăng 2 con số kể từ đầu năm tới nay. Các chuyên gia nhìn chung đều cho rằng, kỳ tích này sẽ khó lòng lặp lại trong năm 2022, khi sự hưng phấn ban đầu từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại biến mất và các chương trình kích thích tiền tệ bị thắt chặt. Morgan Stanley và Bank of America dự báo chỉ số S&P 500 có thể giảm trong năm tới, trong khi JP Morgan và Goldman Sachs vẫn kỳ vọng vào một kết quả tích cực.

Bà Jaime Desmond, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Ladenburg Thalmann, cho biết: "Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, dù không quá nhiều. Vẫn có một số lo ngại về việc FED sẽ tăng lãi suất. Nhưng sau tất cả, chúng tôi vẫn khá lạc quan vào triển vọng của thị trường".

Trong khi đó, các thị trường mới nổi được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm nay, do tác động từ sự suy yếu của thị trường bất động sản và các biện pháp thắt chặt kiểm soát trên nhiều lĩnh vực của chính phủ. Các chuyên gia dự báo, giới đầu tư có thể sẽ phải chấp nhận rủi ro suy thoái đáng kể ở các thị trường mới nổi nếu đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn dự đoán, đặc biệt là ở nhiều quốc gia nơi phần lớn dân số chưa được tiêm phòng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước