Thị trường chứng khoán Việt Nam: Khi nào đạt mốc 1.300?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 09/10/2024 11:17 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã có ít nhất 5 lần gần chạm ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều chinh phục thất bại.

Giằng co và chưa rõ ràng về xu hướng vẫn là trạng thái của thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng phiên giao dịch hôm qua có hai lần VN-Index cố gắng bứt lên với mức tăng 5 điểm nhưng đều nhanh chóng chịu áp lực và phải đảo chiều. Điểm tích cực là sắc xanh vẫn giữ được về cuối phiên nhờ các cổ phiếu ngân hàng và sản xuất duy trì được sắc xanh.

Thị trường chứng khoán thường được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế và tâm lý nhà đầu tư. Khi VN-Index liên tục dao động quanh ngưỡng 1.300 điểm nhưng chưa thể bứt phá thì cũng là lúc mà các nhà đầu tư tự đặt ra câu hỏi: Tại sao kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt mà VN-Index vẫn chưa thể bứt phá được? Liệu thị trường có thể vượt qua mốc này một cách bền vững trong tương lai gần hay không?

Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã có ít nhất 5 lần gần chạm ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều chinh phục thất bại. Mỗi lần chỉ số tiến gần đến vùng này, áp lực bán lại gia tăng mạnh mẽ, khiến giảm điểm trở lại. Hiện tượng này gây nên những đợt tăng giảm giằng co, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Khi nào đạt mốc 1.300? - Ảnh 1.

1.300 điểm chỉ là một mốc tâm lý sớm hay muộn sẽ bị chinh phục

Chị Dương Thị Diễm Quỳnh - Nhà đầu tư cho biết: "Cá nhân mình trong khoảng 4 lần đầu có tâm lý tương đối thất vọng khi cảm thấy thị trường đã vượt nhiều lần mà không thể chinh phục được ngưỡng 1.300. Tuy nhiên, sau khi quan sát lại, nhận thấy những đặc điểm sideway như vậy thì mình biến những lần thị trường vượt vùng 1.300 trở thành những cơ hội đầu tư lướt sóng ngắn hạn".

Theo các chuyên gia, điều kiện cần để VN-Index vượt 1.300 điểm đã có, đó là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Fed xoay trục sang chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng vẫn còn đó điều kiện đủ là tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III phải đủ ấn tượng để dòng tiền chấp nhận mặt bằng định giá cổ phiếu hiện nay.

Ông Ngô Minh Đức - Giám đốc LCTV Investment chia sẻ: "Những yếu tố vĩ mô trong nước hiện tại hết sức thuận lợi cho dự tiến của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta phải xét tới những yếu tố cung cầu thị trường và định giá ở thị trường chứng khoán hiện tại thì chỉ có một vài nhóm ngành giá ở mức rẻ và hợp lý, còn hiện tại, nhiều nhóm ngành vẫn đang được định giá tương đối cao, cho nên cần có thời gian để các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, kéo chỉ số về định giá xuống mức hấp dẫn thì dòng tiền mới tiếp tục tham gia quay trở lại thị trường và đưa VN-Index vượt qua mốc 1.300".

Ngắn hạn có thể còn nhiều chông gai nhưng theo các chuyên gia, con số này chỉ là một mốc tâm lý sớm hay muộn sẽ bị chinh phục bởi kỳ vọng đang ngày một tăng cao về thị trường. Việc Bộ Tài chính thông qua Thông tư 68 được đánh giá là bước tiến quan trọng, hứa hẹn giúp nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.

Ông Ryuji Takai - Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Chứng khoán Nhật Bản nhận định: "Khi thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng một dòng tiền lớn khoảng 1,7 tỷ USD chảy vào các quỹ ETF. Ngoài ra, còn có dòng tiền đến từ các quỹ chủ động, các quỹ phòng hộ và từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài".

Trong bối cảnh hiện tại, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechips đầu ngành tài chính và sản xuất được giới phân tích đánh giá có nhiều tiềm năng. Bởi để thị trường bứt phá qua những ngưỡng tâm lý cần có sự đồng thuận ở các cổ phiếu lớn đại diện cho sự phục hồi của nền kinh tế, sau đó dòng tiền mới có cơ hội lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước