Thị trường khan hàng, giá cả neo cao: Cơ hội "vàng" cho gạo Việt bứt phá

Tố Uyên-Thứ hai, ngày 13/05/2024 14:42 GMT+7

Lúa gạo là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta

VTV.vn - Thị trường gạo thế giới thời gian qua nhiều biến động và đang mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu gạo Việt bứt phá.

Nguồn cung thiếu, giá gạo sẽ còn neo ở mức cao

Từ đầu năm đến nay, các thị trường xuất khẩu chính của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, năm 2024 xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi khi đơn hàng nhiều, giá bán cũng có xu hướng tăng lên. Hiện, không chỉ nhu cầu nhập gạo từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng cao mà ngay cả tại các nước trong khu vực ASEAN cũng đang trên đà tăng như Philippines, Indonesia...

Chia sẻ với báo giới xung quanh cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ 2023 – 2024, sản lượng gạo toàn cầu sẽ ở mức 515,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ là 521,3 triệu tấn, lượng gạo thiếu hụt là 5,8 triệu tấn.

Đáng chú ý, thời gian qua, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng và vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao. Điều này rất thuận lợi cho một nước xuất khẩu gạo nhiều như Việt Nam.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với gạo Thái Lan và Ấn Độ từ 5-10%, khi trong quý 2 này, có mức bán bình quân đạt hơn 650 USD/tấn. Việc ưu tiên chế biến các dòng gạo thơm, khai thác có hiệu quả nhiều ngách thị trường tiềm năng sẽ giúp ngành gạo nước ta tiếp tục tăng trưởng và bứt phá.

Hơn thế nữa, theo dự báo, các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng trước ảnh hưởng của El Nino. Trong đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ giảm sản lượng xuống còn 134 triệu tấn (giảm 1,8 triệu tấn so với niên vụ 2022 – 2023). Nước này hiện vẫn đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ tháng 7/2023. Mới đây, quốc gia này tiếp tục thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm đến hết tháng 7/2024.

Ngoài ra, Trung Quốc giảm sản lượng 1,3 triệu tấn, xuống còn 144,6 triệu tấn; Thái Lan và Indonesia cùng giảm 900.000 tấn, tương đương sản lượng còn lại lần lượt là 20 triệu tấn và 33 triệu tấn...

Không ngừng mở rộng thị trường tiềm năng

Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp) lưu ý 5 điểm mấu chốt để phát triển ngành hàng gạo Việt Nam: tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam khác biệt so với nước khác; các doanh nghiệp nên chia sẻ giá đấu thầu gạo ở các nước; nhà nước phối hợp cùng doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong đầu tư công nghệ chế biến gạo; cần có sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp, chính quyền để xây dựng vùng nguyên liệu có tính liên kết bền vững.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, trong tổng số 8,3 triệu tấn gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang châu Á – châu Phi đã chiếm 90%, tương đương khoảng 7,34 triệu tấn, giá trị hơn 4,1 tỷ USD. Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh. "Đây là thị trường rộng lớn với tổng cộng 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, có dân số hơn 6,5 tỷ người, chiếm khoảng 80% dân số toàn thế giới", Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh thêm.

Theo các chuyên gia nhận định, bên cạnh tiềm năng mở rộng thị phần tại các thị trường tuyền thống, gạo Việt đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng đi sâu hơn vào nhiều thị trường gần kề. "Gạo Việt đang có nhiều cơ hội cho xuất khẩu vào các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Indonesia...Trên thực tế, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, lòng tin đối với các nhà nhập khẩu các nước này. Đây là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát huy trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh giao thông thế giới các bịd đình trệ bởi các cuộc xung đột vũ trang hiện nay", ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) phân tích.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, thị trường các nước nhập khẩu trong Asean liên tục thay đổi chính sách. Tại thị trường Philippines các thương nhân ký hợp đồng song không nhận hàng và đề nghị giảm giá. Còn tại thị trường Indonesia đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Việt Nam khi mở nhiều gói thầu nhỏ cho các quốc gia khác như Malaysia...

Ngoài ra, đối với thị trường Trung Quốc, đến nay có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo vào thị trường này. Các dòng gạo thơm, cao cấp, gạo ST...đang được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Gạo Việt cần lưu ý vào khâu đóng gói bao bì và thương hiệu hơn nữa.

Mặt khác, châu Âu - châu Mỹ đến nay vẫn là khu vực thị trường mà xuất khẩu gạo Việt có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong khi một số đối thủ chính của Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan không được hưởng các ưu đãi về thuế. Đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 - 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu - Durostap) trong khi lượng xuất khẩu gạo Việt sang EU chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, khoảng 3,1%...


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước