Nửa đầu năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang duy trì đà phục hồi, mở ra nhiều cơ hội về việc làm và ổn định cuộc sống cho người lao động. Điều dễ thấy nhất hiện nay là các doanh nghiệp đang tăng tuyển dụng thêm lao động.
Để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất, doanh nghiệp này đang tuyển khoảng 2.000 lao động. Riêng với lao động phổ thông chưa có tay nghề, công ty sẽ đào tạo từ đầu.
Ông Jang Hwasu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH NewOne VINA cho biết: "Tôi muốn và cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi cần tuyển dụng thêm rất nhiều người, hiện tại vẫn chưa có gì khó khăn".
Việc tuyển dụng lao động với những ngành dệt may, da giầy đã có nhiều tín hiệu tích cực. Để thu hút lao động vào nhà máy, doanh nghiệp này đã tăng mặt sàn lương, điều chỉnh nhiều chương trình phúc lợi.
Ông Lê Văn Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giày Hồng Bảo, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ: "Công ty sẽ tuyển lao động với số lượng lớn, luôn đảm bảo các chế độ, đặc biệt là chế độ tiền lương, không nợ tiền lương, không nợ bảo hiểm và đảm bảo tiền lương công nhân ổn định".
Tháng 4 năm nay, nền kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh. Dự báo TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 vị trí việc làm và TP. Hà Nội là khoảng 44.000 lao động trong quý II/2024.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Chúng ta khai thông được thị trường cũng như mở rộng thị trường và khôi phục được những thị trường có năng lực tiêu thụ lớn, sức chi trả cao. Chúng ta hy vọng chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ khá lên, theo đó, đời sống thực tế của người lao động trong doanh nghiệp sẽ có cơ hội được cải thiện".
Tuy vậy, với các công ty có thêm nhiều đơn hàng mới, thách thức đặt ra lại là việc tuyển các lao động trẻ.
Ông Kaoru Ogane - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mani Hanoi nêu ý kiến: "Thời gian gần đây, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động mới tại địa phương. Đặc biệt, nhóm lao động trẻ thường có xu hướng nhảy việc nhiều hơn nên công ty khó ổn định sản xuất kinh doanh".
Hiện các hoạt động kết nối việc làm giữa các địa phương được đẩy mạnh hơn. Việc di chuyển cũng thuận lợi hơn trước. Những yếu tố này cho phép người lao động có thể đi làm tại nhiều địa bàn khác nhau, đồng thời mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!