Chính sách giảm 50% phí đăng ký trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước đã và đang hâm nóng thị trường sau thời gian dài ảm đạm vì COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Trong khi đó, nhiều hãng xe đã cắt giảm khuyến mại, thậm chí có hãng còn tăng giá bán.
Từ... giá xe lăn bánh có thể giảm gần 300 triệu đồng
Theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28/6 về quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Chính phủ đã chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và có hiệu lực cùng ngày đến hết năm 2020.
Theo đó, từ ngày 28/6 đến hết ngày 31/12/2020, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại xe này quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Hiện tại, ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang nộp lệ phí trước bạ lần đầu từ 10% - 12% (tùy theo địa phương) theo khung giá quy định tính phí trước bạ của Bộ Tài chính. Tại thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, xe sản xuất lắp ráp trong nước đang có giá bán thấp nhất từ 299 triệu đồng đối với Kia Morning và cao nhất đến 4,969 tỷ đồng đối với Mercedes-Benz S 450 L Luxury.
Người mua xe sang lắp ráp trong nước có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng khi lệ phí trước bạ giảm 50%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cụ thể, chiếc Kia Morning bản thấp cấp nhất đang có giá bán 299 triệu đồng, lệ phí trước bạ đang áp dụng từ 10% - 12%, người mua xe chỉ cần nộp 14,95 - 17,94 triệu đồng, thay cho từ 29,9 - 35,88 triệu đồng như trước đây.
Hoặc các dòng xe đang bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam như Toyota Vios đang có giá bán từ 470 triệu đến 570 triệu đồng hay Hyundai Accent đang có giá bán từ 426 đến 542 triệu đồng, người mua xe được hưởng lợi từ 21,3 triệu đồng và cao nhất đến 34,2 triệu đồng từ việc giảm 50% lệ phí trước bạ này.
Đặc biệt, với dòng xe sang sản xuất lắp ráp trong nước có giá bán cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Tại Việt Nam chỉ có thương hiệu xe sang Mercedes-Benz lắp ráp trong nước; trong đó có mẫu xe đắt nhất là S 450 L Luxury giá từ 4,2 - 4,969 tỷ đồng, lệ phí trước bạ trước đây phải nộp từ 420 - 596 triệu đồng, nhưng nay chỉ phải nộp từ 210 - 298 triệu đồng do giảm 50% lệ phí trước bạ.
Đến... thực thị trường
Dạo qua một số đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội, những ngày này cho thấy, chính sách giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước đã và đang hâm nóng thị trường sau thời gian dài ảm đạm vì đại dịch COVID-19, lượng khách đến các đại lý có tăng, nhưng không đột biến.
Nhiều người kỳ vọng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ cùng các chương trình khuyến mại giảm giá của các hãng xe và đại lý, giá xe ô tô khi "lăn bánh" có thể sẽ giảm sâu hơn. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra khi hầu hết các hãng xe đã cắt giảm chương trình khuyến mại "khủng" như trước đây.
Cụ thể, sau khi Nghị định 70/2020 được ban hành và có hiệu lực, rất nhiều hãng xe như Toyota, Honda, TC Motor, Mitsubishi, Mercede-Benz… không đưa ra bất cứ chương trình khuyến mại nào đáng chú ý, thậm chí còn tăng giá xe.
Sau nhiều chương trình khuyến mại và có 2 mẫu xe Fadil và Lux A2.0 góp mặt trong Top 10 mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam tháng 5, VinFast là đơn vị đầu tiên thông báo kế hoạch tăng giá xe từ ngày 15/7 này, áp dụng cho 3 mẫu xe Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 với mức tăng từ 7,1 - 75,6 triệu đồng. Tuy nhiên, hai mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 vẫn được hãng hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, tương đương từ 113 - 223 triệu đồng và trừ trực tiếp vào giá xe.
Trong khi đó, Nissan Việt Nam cũng không còn giảm giá từ 20 triệu đến 30 triệu đồng cho khách mua xe X-Trail hay Sunny; sedan City - mẫu xe lắp ráp duy nhất của Honda Việt Nam cũng không còn giảm từ 30 triệu đến 40 triệu đồng như tháng trước, chỉ giảm khoảng 15 triệu đồng do đại lý thực hiện để kích cầu. Mitsubishi Việt Nam cũng không ngoại lệ khi không còn giảm giá hàng chục triệu đồng mà chỉ còn tặng bảo hiểm vật chất hay phiếu nhiên liệu cho khách mua xe.
Tương tự, Toyota Việt Nam trước đây giảm giá hàng chục triệu đồng kèm quà tặng cho nhiều mẫu xe, nhưng giờ chỉ hỗ trợ một phần phí trước bạ cho Fortuner 2.4 AT 4x2 (FK), Fortuner 2.4 MT 4x2 (FG) sản xuất trong nước. Đặc biệt, mẫu xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam hàng tháng là Vios từng giảm giá từ 20 - 35 triệu đồng, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay đã bán đúng giá niêm yết từ 470 - 570 triệu đồng.
Khách hàng Đỗ Thường ở Nam Từ Liêm cho hay, khi chưa giảm 50% phí trước bạ, các hãng đua nhau giảm giá "khủng", tặng quà cho khách hàng để kích cầu doanh số. Khi chính sách giảm phí trước bạ có hiệu lực, các hãng lại cắt chương trình ưu đãi giảm giá và giảm khuyến mại.
Anh Đỗ Thường cũng chia sẻ câu chuyện anh đặt mua chiếc Vios bản E ở một đại lý Toyota với giá thỏa thuận là 450 triệu đồng, giảm 20 triệu đồng so với giá niêm yết, kèm theo quà tặng là thảm lót sàn và dán kính xe. Tuy nhiên, khi chính thức giảm phí trước bạ, đại lý thông báo mức giảm chỉ còn 15 triệu, rồi 10 triệu đồng và bước sang tháng 7 không còn mức giảm nào.
Khi thắc mắc, đại lý cho rằng do anh Thường không chốt hợp đồng ngay và việc cắt giảm khuyến mại này là để bù đắp một phần cho việc đã giảm giá sâu trong những tháng dịch COVID.
Đại diện tư vấn bán hàng Toyota Hoàn Kiếm Nguyễn Trung Thành cho biết, trong những ngày gần đây, đặc biệt là khi chính sách giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực, lượng khách đến xem và mua xe tăng; trong đó có mẫu xe Vios không còn xe để giao ngay cho khách hàng. Tuy nhiên, cùng với việc giảm lệ phí trước bạ, hệ thống đại lý Toyota cũng cắt giảm khuyến mại, thay vào đó là chỉ tặng thảm trải sàn và dán kính xe. Còn muốn giảm hơn nữa, khách hàng phải ký hợp đồng ngay và chốt ngày lấy xe, nhưng gặng hỏi mức giảm giá cũng chỉ được dăm triệu đồng.
Lượng khách đến giao dịch tăng so với trước, nhưng không đột biến. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Trong khi đó, đại diện của Thaco cho biết, cùng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ Kia Việt Nam vẫn dành tặng khách hàng ưu đãi giá đến 100 triệu đồng và hỗ trợ 50% phí trước bạ, áp dụng tùy từng dòng xe và phiên bản; Mazda cũng đang ưu đãi cho các dòng xe của mình khiến một số dòng xe "ăn khách" hết hàng, các đại lý phải hỗ trợ xe cho nhau.
Đại diện tư bán hàng Kia Bạch Đằng cho hay, khác với các liên doanh, thương hiệu này vẫn được Thaco duy trì chương trình ưu đãi giá xe cùng với việc hỗ trợ thêm một phần phí trước bạ cho khách mua xe cho đến khi có thông báo mới. Hiện tại, hầu hết các xe trong Showroom đã có khách hàng mua và đang chờ ngày đẹp để nhận xe.
Anh Đỗ Kim Toàn ở Xuân Đỉnh và nhiều người khác lại chia sẻ câu chuyện nói đến việc giảm 50% lệ phí trước bạ nghe là rất lớn khiến người nhầm tưởng là giá xe sẽ giảm mạnh. Nhưng thực tế, việc giảm 50% này là của 10% và 12% mức lệ phí trước bạ đăng ký xe mới đang áp dụng ở các địa phương, tương đương với mức giảm từ 5% - 6%.
Với mức giảm này, khi mua các dòng xe sang có giá hàng tỷ đồng, giá trị được giảm mới lớn, còn phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn chủ yếu mua xe ở phân khúc bình dân với mức giá khoảng trên dưới 500 triệu đồng nên mức giảm cũng không nhiều, trừ trường hợp hưởng kết hợp được từ việc giảm phí trước bạ và giảm giá mạnh của các hãng xe. Và những người có ý định mua xe, họ đã ký hợp đồng từ trước, chờ sang tháng 7 mới làm thủ tục đăng ký xe.
Điều anh Đỗ Toàn nói không phải không có lý, khi khách hàng Vũ Quốc Phương ở Hà Đông cho hay, anh vừa hưởng lợi "kép" gần 260 triệu đồng từ việc giảm giá 150 triệu đồng của mẫu SUV Mazda CX-8 cùng quà tặng là bộ phụ kiện trị giá 25 triệu đồng và việc giảm 50% phí trước bạ (tương đương 83,94 triệu đồng). Với số tiền hưởng lợi "kép" này, anh có thể trang trải cho nhiều việc khác trong gia đình.
Còn theo nhận định của giới chuyên môn, với việc giảm phí trước bạ này, thị trường ô tô Việt Nam tháng 7 tiếp tục tăng trưởng mạnh; trong đó tập trung vào xe sản xuất, lắp ráp trong nước bởi có khá nhiều khách hàng ký hợp đồng trước nhưng nhận xe sau để hưởng lợi "kép".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!