Thị trường phản ứng thận trọng sau động thái của ECB

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 05/05/2023 11:32 GMT+7

VTV.vn - ECB quyết định tăng lãi suất chỉ một ngày sau quyết định nâng lãi suất của FED và được thị trường đón nhận với những phản ứng thận trọng.

Động thái tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp để kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được đưa ra chỉ một ngày sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/5), chứng khoán châu Âu đã ghi nhận xu hướng giảm, với chỉ số STOXX 600 của khu vực giảm 0,45%. Đồng Euro cũng giảm khoảng 0,5% so với đồng USD.

Các biến động này diễn ra sau khi ECB quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm%. Như vậy, để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, ECB đã tiến hành tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm % kể từ tháng 7/2022.

Thị trường phản ứng thận trọng sau động thái của ECB - Ảnh 1.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (4/5), chứng khoán châu Âu đã ghi nhận xu hướng giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Phát biểu trong buổi họp báo sau khi quyết định lãi suất được công bố, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tiếp tục nhấn mạnh vào tình trạng lạm phát cao hiện nay tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

"Triển vọng lạm phát vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài. Trước áp lực đó, chúng tôi đã quyết định tăng ba mức lãi suất chính của ECB thêm 0,25 điểm %", bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết.

ECB giảm tốc độ tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, chọn mức 0,25 điểm % thay cho mức 0,5 điểm % căn cứ chủ yếu theo tốc độ lạm phát.

Tốc độ lạm phát trong khối Eurozone đã giảm đáng kể, từ đỉnh điểm 10,6% tháng 10/2022 xuống còn 7% trong tháng 4/2023. Áp lực lạm phát giảm do giá xăng dầu và khí đốt đã sụt mạnh, nên mức độ tăng lãi suất cơ bản cũng giảm dần. Tuy nhiên yếu tố vay đầu tư và vay tiêu dùng đang chịu sức ép rất lớn do lãi suất vay bị đẩy lên cao.

Kinh tế Eurozone không suy thoái nhưng tăng trưởng quá thấp cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Các ngân hàng trung ương thận trọng hơn với lãi suất

Có thể thấy là sự kết hợp giữa lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng chậm lại là những yếu tố đã khiến giới chức ECB có cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất.

Theo Reuters, đây cũng là xu hướng đang dần trở nên phổ biến hơn với các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Reuters cho biết, trong tổng số 5 cuộc họp chính sách của các ngân hàng trung ương lớn diễn ra trong tháng 4, chỉ 2 cuộc ghi nhận các đợt tăng lãi suất. Với nhóm thị trường mới nổi, tỷ lệ này càng thấp hơn, với chỉ 2 trong số 11 ngân hàng trung ương nhóm họp trong tháng 4 tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ.

"Chúng ta đang tiến gần hơn tới giai đoạn kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trên toàn cầu. Chúng ta đang ở điểm uốn", ông Omar Slim, Giám đốc cấp cao, công ty PineBridge Investments, nhận định.

Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dù vừa quyết định tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy, họ đang dành nhiều sự quan tâm hơn cho các rủi ro kinh tế và chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ sớm kết thúc.

Các chuyên gia dự báo, với tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, sẽ ngày càng có xu hướng nghiêng về cách tiếp cận thận trọng hơn trong thời gian tới.

Triển vọng lãi suất của ECB

Bà Christine Lagarde đã không nói thẳng, nhưng ngụ ý tiếp tục khá rõ ràng. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa ra một số chi tiết để chứng minh, tăng lãi suất như vậy vẫn chưa tới mức ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Bà nói rằng: "Lạm phát chung đã giảm trong những tháng gần đây, nhưng áp lực giá cả còn lớn. Chúng tôi đã đi một quãng đường khá xa, nhưng chưa tới đích". Phát biểu của bà ngụ ý rằng cuộc chiến chống lạm phát bằng công cụ lãi suất chưa thể sớm kết thúc được.

Thị trường phản ứng thận trọng sau động thái của ECB - Ảnh 2.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde. (Ảnh: Bloomberg)

Giới chuyên gia và thị trường hiện nay đang nghiêng nhiều về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thực hiện thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 6 và 7 với mức tăng mỗi lần thêm 0,25 điểm phần trăm.

Như vậy, dù đã thận trọng hơn khi giảm tốc độ tăng lãi suất, có thể thấy ECB nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả và tiền lương vẫn ở mức cao. Tuy vậy, các động thái này sẽ được thực hiện căn cứ vào các dữ liệu thực tế của nền kinh tế để tránh gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.

ECB tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp ECB tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp

VTV.vn - Tối 4/5 (giờ Việt Nam), ECB đã quyết định tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp, tiếp tục các nỗ lực nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước