Kết thúc năm 2018 với nhiều kỷ lục ấn tượng, kinh tế năm nay được dự đoán sẽ tiếp đà tăng trưởng với sự song hành của cuộc công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo.
Một số bài báo trong những ngày đầu năm mới này bàn luận sôi nổi về thị trường robot tại Việt Nam.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhận định nhu cầu về robot tại Việt Nam được ước tính sẽ lên tới 1 triệu con vào năm 2020.
Tờ Nhịp cầu Đầu tư phân tích, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, robot được sử dụng trong sản xuất của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp. Mặc dù vậy, đây lại là cơ hội cho thị trường robot mở ra khi Việt Nam muốn thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng hóa lên mức cao hơn. Ngày một nhiều thương hiệu tự động hóa đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó 3 trong 4 thương hiệu hàng đầu trên thị trường robot thế giới đã có mặt tại Việt Nam là ABB, Yaskawa và Kuka.
Thực tế, hiện nhiều nhà máy của Việt Nam đang dịch chuyển dần sang tự động hóa thay cho hoạt động sản xuất gần như thủ công trước đây. Ví như, Vinamilk đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho tự động hóa. Xu hướng này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu các giải pháp kỹ thuật số cho các trạm biến áp và nhà máy điện.
Tuy nhiên, theo phân tích của tờ Nhịp cầu Đầu tư, có 2 thách thức lớn tại thị trường Việt Nam. Thứ nhất, rất thiếu nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư giỏi, rất khó tìm được đúng người để giao đúng việc. Thứ hai là việc thuyết phục khách hàng về giá trị thực mà robot mang lại. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào tự động hóa của doanh nghiệp cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như chính sách của Nhà nước, định giá của tiền đồng Việt Nam và việc tiếp cận vốn.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7 - 16% tùy theo từng kịch bản.
Bài báo trên Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào việc phát triển các sáng kiến và ban hành pháp luật để đẩy nhanh quá trình tự động hóa. Đây là xu hướng bắt buộc khi giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ và đang ngày một cao hơn trong khi giá công nghệ đang xu hướng giảm dần, kéo giá bán robot xuống mức thấp hơn.
Câu chuyện về robot và trí tuệ nhân tạo trên các báo những ngày qua khiến chúng ta liên tưởng tới việc đầu tháng 11/2017, Tân Hoa Xã của Trung Quốc giới thiệu người dẫn chương trình thời sự đầu tiên trên thế giới sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đó là một MC được dẫn bởi một người đàn ông "ảo" có giọng nói, gương mặt, cử chỉ như người thật.
Điều này cho thấy không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, robot và trí tuệ nhân tạo đang len lỏi khắp mọi lĩnh vực trong đời sống, trong công việc của mỗi chúng ta. Vì thế, cùng chờ xem sự thay đổi tại thị trường Việt Nam của robot và trí tuệ nhân tạo trong năm mới 2019 sẽ như thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!