Đầu năm 2019, Thế giới di động quyết định "khai tử" trang thương mại điện tử (TMĐT) Vuivui.com. Giữa năm, Central Group cũng tuyên bố tạm dừng hoạt động trang Robins.vn để điều chỉnh mô hình. Đến cuối năm, Lotte.vn tuyên bố đóng cửa nhưng bất ngờ nhất phải kể đến sự rút lui của Adayroi - một trong những doanh nghiệp đầu ngành thương mại điện tử thời điểm đó.
Thực tế kinh nghiệm từ các thị trường thế giới đã cho thấy, sau một thời gian ban đầu phát triển sôi động với nhiều "tay chơi", thị trường thương mại điện tử sẽ bước vào giai đoạn "thanh lọc" chỉ còn từ 2-3 cái tên mạnh nhất trụ lại. Liệu điều này đang xảy ra với thị trường Việt Nam?
Dù quá trình đào thải và thanh lọc là không thể tránh khỏi, nhưng một số chuyên gia cho rằng, điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không chiếm được thị phần lớn sẽ là kẻ thua cuộc hoàn toàn. Trong tương lai, chủ các doanh nghiệp như vậy vẫn có thể kiếm được lợi nhuận thông qua việc bán lại công ty cho tay chơi lớn hơn, hoặc trở thành các công ty đại chúng khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, khi thị trường thương mại điện tử phát triển đến giai đoạn xuất hiện một công ty đủ sức chiếm hơn 50% như cách Amazon làm ở Mỹ hay Alibaba ở Trung Quốc... thì lúc đó số lượng doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ không giảm mà còn tăng nhanh hơn rất nhiều lần so với giai đoạn thị trường mới phát triển.
Nghiên cứu mới nhất của tổ chức iPrice, năm qua, thị trường Việt Nam cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng của các doanh nghiệp TMĐT đi theo ngách như mua bán hàng hiệu, hàng xách tay... Đơn vị này cũng dự báo, năm 2020, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các công ty TMĐT vừa và nhỏ đi theo hướng ngách này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!