Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ mới công bố cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua đã tiếp tục tăng thêm 5,2 triệu người, nâng tổng số người mất việc làm kể từ khi Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia lên 22 triệu người.
"Thành tựu tăng trưởng việc làm cả thập kỷ đã biến mất" là tựa đề bài viết đăng trên tờ Bưu điện Washington hôm 16/4. Theo đó, việc 5,2 triệu người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua tiếp tục là con số đáng lo ngại dù đã thấp hơn mức 6,6 triệu của tuần trước đó, cũng như mức kỷ lục 6,9 triệu của tuần kết thúc vào ngày 28/3.
Số người thất nghiệp chỉ trong 1 tháng qua đã gần như xóa sổ hoàn toàn thành quả 22,8 triệu việc làm mới được tạo ra trong 10 năm qua, từ tháng 2/2010 đến tháng 2/2020.
Theo một số chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Mỹ đã tăng lên mức 20% và có thể sẽ ở mức xấp xỉ 10% cho tới cuối năm nay.
Ngày càng có nhiều kinh tế gia cảnh báo quá trình phục hồi sau đại dịch sẽ kéo dài, bởi hàng triệu người Mỹ sẽ tiếp tục không có việc làm cho tới cuối năm nay và ngay cả khi một phần của nền kinh tế được hoạt động trở lại, trừ khi có vaccine, mối lo bị lây nhiễm sẽ kiềm chế người dân đến các nhà hàng, văn phòng.
Bên cạnh đó, người dân Mỹ sẽ cắt giảm chi tiêu khi thấy tình trạng thất nghiệp vẫn còn phổ biến và thu nhập của người thân cũng như bạn bè xung quanh tiếp tục bị cắt giảm.
Với tựa đề "Sự gia tăng của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường việc làm", tờ Tạp chí Phố Wall đã có bài phân tích về những tổn thất tạm thời, lợi ích ngắn hạn và tình trạng đóng băng của hoạt động tuyển dụng.
Theo đó, nhiều chủ lao động hy vọng việc cắt giảm nhân công sẽ chỉ là tạm thời, nhiều lao động còn việc làm đang bị cắt giảm giờ làm việc; phần lớn các doanh nghiệp đang đóng băng hoạt động tuyển dụng, tình trạng hạn chế tuyển dụng mở rộng từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng ban đầu, như nhà hàng, du lịch, sang cả các lĩnh vực như luật sư, công nghệ, giáo dục và tài chính. Trong khi đó, các lĩnh vực như dược phẩm, bán hàng trực tuyến, siêu thị, dịch vụ giao nhận hàng… lại đang có nhu cầu tuyển dụng cấp thiết, đặc biệt là lao động thời vụ.
Bài viết nhận định, thị trường lao động có thể bật dậy nhanh hơn so với các giai đoạn khủng hoảng trước đây nếu các doanh nghiệp có thể mở cửa và lao động có thể trở lại làm việc. Tuy nhiên, tình trạng sa thải nhân công tạm thời này có thể sẽ trở thành vĩnh viễn nếu cuộc khủng hoảng y tế và cú sốc kinh tế tiếp tục kéo dài và lan rộng.
Theo nhiều bài viết, tình trạng ảm đạm của thị trường việc làm hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động Mỹ, nhất là những người có thu nhập thấp. Theo điều tra năm 2019, có tới gần nửa số hộ gia đình Mỹ không có tiền tiết kiệm. Khoảng 60% số người được hỏi cho biết nếu xoay xở mọi bề từ vay nóng, mượn người thân, bạn bè hay bán đồ đạc gia đình cũng chỉ đủ chi tiêu không quá 3 tháng. Đây được cho là yếu tố đặc biệt quan ngại nếu tình trạng đóng cửa nền kinh tế dẫn đến đóng băng tuyển dụng lao động tiếp tục kéo dài.
Xu hướng làm việc từ xa bùng nổ tại Mỹ VTV.vn - Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua nên để cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng, ngày càng nhiều công ty Mỹ áp dụng cơ chế làm việc linh hoạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!