Theo Reuters, đã có ít nhất 15 công ty niêm yết báo cáo lên các sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyết rằng, họ phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ các dây chuyền sản xuất do thiếu điện.
Các ngành sản xuất thép, nhôm và xi măng chịu tác động mạnh, với sản lượng nhôm giảm tới 7% và sản lượng xi măng giảm 29%. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, các ngành sản xuất giấy, thủy tinh, hóa chất, thuốc nhuộm, đồ nội thất, bột đậu nành sẽ là các nạn nhân tiếp theo.
Với việc Trung Quốc đang là công xưởng lớn nhất thế giới, việc hàng loạt các ngành hàng thiết yếu phải cắt giảm sản lượng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là khi mùa mua sắm lớn nhất trong năm đã đến gần ở Mỹ và châu Âu.
"Sẽ rất nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng, kể cả những chiếc điện thoại thông minh mọi người mua trong dịp Giáng Sinh. Giá năng lượng sẽ tăng khiến tình trạng thiếu nhiên liệu ở Anh thêm nghiêm trọng", ông Clifford Kunin - Nhà phân tích Đài truyền hình DW, Đức cho hay.
Một nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Giang Tô. Ảnh: Zuma Press
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cắt 3% lượng tiêu thụ điện năng trong năm 2021 để đạt các mục tiêu về môi trường.
Với việc chỉ 1/3 địa phương ở Trung Quốc đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài và thêm nhiều công ty phải cắt giảm hoạt động.
Ông Clifford Kunin nói: "Tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều năm và Chính phủ rõ ràng rất nghiêm túc về vấn đề này. Họ khuyến khích các công ty ngừng sử dụng than đá, tuy nhiên rất nhiều nhà máy điện lại đang phụ thuộc vào than đá".
Công ty Nomura đã hạ dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc quý IV/ 2021 xuống còn 3% từ mức 4,4% trước đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!