Ngành logistics Việt Nam kém phát triển do thiếu liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Dân trí
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành chương trình hành động nhằm phát triển lĩnh vực logistics, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành dịch vụ này sẽ đóng góp khoảng 10% cho GDP, thay vì chưa đến 4% như hiện nay. Dù là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng hơn 2/3 thị phần lại đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Một trong những nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn làm ăn manh mún, thiếu liên kết.
Ông Đỗ Đức Thành, Tổng Giám đốc Công ty Logisitcs Sakaeru Việt Nam bày tỏ: "Giá trị để doanh nghiệp bỏ tiền ra mua một mảnh đất để làm bãi xe thôi đã là điều cực kỳ khó, có 10 cái xe thì mua miếng đất cũng phải bỏ ra tiền bằng mua 10 cái xe đó để có thể để xe được".
Một lý do khác khiến ngành logistics Việt Nam kém phát triển chính là sự thiếu liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bởi theo thói quen hiện nay, các doanh nghiệp Việt chỉ thuê DN logistics trong nước vận chuyển tới cảng nội địa, còn sau cảng là do các DN nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.
2/3 thị phần logistics đang thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa: Dân trí
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nhận định: "Doanh nghiệp xuất nhập khẩu phụ thuộc vào chủ hàng ở nước ngoài nên các doanh nghiệp logisitics hầu như chỉ đảm nhận được một số lượng rất ít công việc, thiếu điều kiện để mở rộng".
90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng nhiều nhưng chủ yếu làm ăn manh mún, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi logistics nên năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: "Số lượng DN vừa và nhỏ chiếm đa số nhưng cần có DN lớn có mô hình và kinh nghiệm dẫn dắt".
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, việc thiếu các trung tâm logistics tập trung cũng khiến cho các doanh nghiệp không tạo ra được giá trị gia tăng để giảm giá thành vận tải và mở rộng cung ứng dịch vụ một cách chuyên nghiệp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!