Hiện nay, dệt may, da giầy và điện tử là 3 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt vào các thị trường lớn, tiêu chuẩn chất lượng cao trong các Hiệp định CPTPP hay EVFTA. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nước ngoài dẫn đến giá trị gia tăng còn thấp. Để thay đổi điều này thì lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong sản xuất công nghiệp vật liệu của nước ta, làm sao để các doanh nghiệp có thể tự chủ được các khâu nguyên phụ liệu, từ đó có thể đạt được giá trị gia tăng cao hơn.
Với các Hiệp định thương mại tự do đang có, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu đã tăng trên 200%, đi cùng với các tiêu chuẩn cao xuất xứ, hàm lượng nguyên liệu sản xuất trong nước 100%, tuy nhiên, tìm được kỹ sư hoặc công nhân tay nghề cao về sản xuất bông đang là rào cản để tận dụng cơ hội.
Ông Lã Anh Chiến, Giám đốc Nhà máy bông TNG, cho biết: "Nhu cầu tuyển dụng trong các vị trí nghiên cứu đưa ra các sản phẩm bông đáp ứng tiêu chuẩn độ đang thiếu. Chúng tôi gặp khó khăn để tuyển dụng ngay từ các trường đại học trên địa bàn, gần như phải đào tạo gấp để rút ngắn từ 1 - 2 năm xuống còn 6 tháng".
Trong chuỗi cung ứng dệt may, đảm bảo chất lượng nguyên liệu sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp chủ động lựa chọn đối tác xuất khẩu. Tuy nhiên, chất lượng kỹ sư mới ra trường đáp ứng chưa được một nửa chất lượng đầu vào, thậm chí là chưa từng được đào tạo ở một số ngành sợi, bông... Điều này đang là áp lực với các doanh nghiệp dệt may. Thống kê cho thấy, số giảng viên có trình độ cao ở một số ngành công nghiệp vật liệu về bông, sợi, dệt chỉ chiếm 5,3%.
Ông Neil Foster-Mcgrgor, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhận định: "Khó khăn hiện nay đó là làm thế nào để thu hút sinh viên, nguồn nhân lực vào các ngành nghiên cứu khoa học vật liệu. Lĩnh vực này dĩ nhiên đòi hỏi sẽ rất cao về đầu ra nhưng lại mang lại giá trị gia tăng cao cho chính học viên cũng như nhu cầu của ngành. Câu chuyện này rất cần những chương trình đào tạo và liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp".
Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Đổi mới về chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, đáp ứng chuẩn mực quốc tế thông qua kiểm định quốc tế. Vấn đề mấu chốt là thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp cả nhà nước, tư nhân và nước ngoài chỉ có tạo mỗi liên kết đó mới hiểu rõ thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng việc làm sinh viên sau khi ra trường".
Hiện, ngành dệt may nhập đến 99% bông nguyên liệu và trên 83% vải may mặc. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đảm bảo nguồn nhân lực về công nghệ vật liệu sẽ giúp Việt Nam xây dựng chuỗi khép kín từ nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, không chỉ ứng phó với tình hình nguyên liệu tăng giá hiện tại, mà lâu dài để có thể tối ưu hoá lợi nhuận cũng như tận dụng nhân lực sẵn có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!