Thiếu quy định pháp lý, nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được xử lý

Huy Hoàng-Thứ tư, ngày 04/11/2020 06:06 GMT+7

VTV.vn - Sau 3 năm, hơn 312 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đạt 1,86%.

Cần kéo dài Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường cũng như bên hành lang Quốc hội. Sau hơn 3 năm triển khai, tổng lượng nợ xấu được xử lý đã gấp 4 lần giai đoạn trước. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, kết quả còn có thể tốt hơn nếu những quy định pháp lý để triển khai đồng bộ.

Nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được xử lý

Ông Bùi Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Trong quá trình tổ chức thu hồi tài sản đảm bảo, nhiều chính quyền địa phương cấp cơ sở, đặc biệt cấp phường, cấp xã chưa quan tâm nhiều đến việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong thu hồi tài sản. Đội ngũ công an cấp cơ sở chỉ giữ an ninh trật tự và đảm bảo không xảy ra tranh chấp, khi cần các phương án mạnh hơn như là cưỡng chế, các cơ quan còn cho rằng đó không phải là việc của họ.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Vẫn tồn tại những khó khăn, nhất là vấn đề sang nhượng quyền sở hữu của các tài sản thế chấp và cầm cố. Những vấn đề đó cần phải hoàn thiện luật pháp.

Thiếu quy định pháp lý, nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được xử lý - Ảnh 1.

Không giải quyết được qua thoả thuận thì bên đi vay và bên cho vay có thể khởi kiện và theo tinh thần Nghị quyết 42 sẽ được thự hiện theo thủ tục rút gọn, thế nhưng kết quả lại không như mong đợi.

Ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Cho đến thời điểm này, theo tôi được biết chưa có một vụ án nào trong xử lý nợ xấu được xử lý theo thủ tục rút gọn.

Chính vì những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực thi nên nhiều đại biểu quốc hội có đề xuất cần kéo dài thời gian có hiệu lực của Nghị quyết 42, thay vì chỉ đến năm 2022. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, 14/16 ngân hàng đã báo cáo có nợ xấu gia tăng. Đâu là giải pháp để kiềm chế và kiểm soát nợ xấu?

VAMC sẵn sàng mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt

Thống kê từ SSI, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng tỷ lệ trích lập dự phòng lên gấp rưỡi so với tổng thu nhập hoạt động. Trong khi đó, mức gia tăng nợ xấu toàn hệ thống trong quý 3 là không đáng kể so với nửa đầu năm.

Thiếu quy định pháp lý, nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được xử lý - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, SSI Research: Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng như quá hạn nói chung đều giảm so với quý 2. Điều này do nhiều ngân hàng tích cực tăng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu.

Để tránh tình trạng nợ xấu gia tăng, từng ngân hàng đã có những giải pháp để ứng phó, rà soát phân loại nhóm khách hàng để giảm lãi hoặc tăng trích lập dự phòng.

Dù đến 30/9 năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành vẫn ở mức 1.8%, vẫn trong vùng kiểm soát, tuy nhiên, các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp đã có các giải pháp nếu nợ xấu tăng lên quá 3%

Dự báo từ nhóm nghiên cứu của BIDV cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cả năm nay sẽ là khoảng 3%, tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia đều lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong năm tới, cũng như sức khỏe của hệ thống ngân hàng tại thời điểm này, qua đó kiểm soát hiệu quả tỷ lệ nợ xấu trong những năm tiếp theo.

VAMC: Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 gấp 4 lần giai đoạn trước VAMC: Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 gấp 4 lần giai đoạn trước

VTV.vn - Theo VAMC, dù năm 2020 có những khó khăn, nhưng đến nay nợ xấu toàn ngành vẫn ở mức 1,86%

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước