Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tới 60 tỉnh thành, làm trên 2,8 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn lợn của cả nước, phải tiêu hủy. Bộ NN&PTNT cho biết, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 19.000 tấn thịt lợn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, xu hướng này sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.
Không chỉ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, một doanh nghiệp đang dự định đầu tư hàng tỷ đồng vào dây chuyền chế biến thịt lợn mát. Tuy nhiên, họ lo lắng với xu hướng nhập khẩu thịt lợn ngày càng tăng, khiến thịt lợn trong nước khó cạnh tranh vì giá bán thịt trong nước luôn đắt hơn 20% so với thịt lợn nhập khẩu.
Trong khi đó, giá thịt lợn hơi trong nước đang ở mức 40.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo Cục Chăn nuôi, việc gia tăng nhập khẩu sẽ tác động xấu đến giá lợn, không bù được chi phí phòng chống dịch tả lợn châu Phi mà các hộ chăn nuôi hiện đang gồng mình gánh chịu.
Ngoài ra, nguồn cung thực phẩm trong nước cũng đang gia tăng khá mạnh, cụ thể thịt gia cầm tăng 13%, thịt gia súc ăn cỏ tăng 27% so với năm 2018. Xu hướng nhập khẩu thịt lợn gia tăng sẽ làm khó hàng triệu hộ chăn nuôi gia cầm, gia súc đang nỗ lực tăng đàn trong thời gian qua.
Theo các hiệp hội chăn nuôi, để giúp ngành chăn nuôi lúc này, cơ quan Nhà nước cần điều tiết, hạn chế nhập khẩu thịt lợn. Nguyên nhân là do chỉ cần một thời gian nữa thôi, lượng thịt nhập tràn về rất có thể "bóp nghẹt" ngành chăn nuôi trong nước.
Thịt lợn nhập khẩu tăng vọt VTV.vn - Theo cục Hải quan TP.HCM, lượng thịt lợn nhập khẩu qua các cảng của thành phố trong 6 tháng đầu năm đã tăng vọt, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!