Ảnh minh họa.
Theo McKinsey & Company - công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh, nhu cầu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2018 chỉ đạt 2 tỷ USD thì năm 2021 con số này đã là 21 tỷ USD, vượt qua cả các ngành kinh tế lớn như viễn thông hay vận tải.
Đây là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút nguồn lực nhưng cùng với đó phải có cơ chế phù hợp, trong đó hệ thống ngân hàng cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện.
Nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, giảm phát thải C02 từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD. Đây là số vốn không hề nhỏ.
Bà Kanni Wignaraja - Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Hầu hết các quốc gia đều cho rằng, nếu không có một nền kinh tế carbon thì không thể tiến bộ. UNDP chúng tôi cho rằng điều đó không đúng. Một đất nước có thể xây dựng một mô hình phát triển mới nếu giảm lượng khí thải carbon ra môi trường".
Theo McKinsey, các tổ chức tài chính tại Việt Nam có thể xem xét phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án phát triển bền vững, đáp ứng 3 yếu tố "Môi trường, Xã hội, Quản trị", ước tính tạo ra khoảng 1,7 tỷ USD doanh thu vào năm 2025.
"Ở Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh còn rất ít. Tính lũy kế đến đầu năm 2021 mới có 4 dự án, tuy nhiên chúng tôi nghĩ con số này sẽ còn tăng hơn nữa", ông Nakajima Takeo -Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho hay.
Tại Hội nghị "Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững" mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết có 12 lĩnh vực tín dụng xanh đều tăng trưởng trong thời gian qua, riêng năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa. Mặc dù vậy tỷ trọng tín dụng xanh nói chung vẫn còn thấp trong toàn nền kinh tế.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Về phí Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án nói chung, trong đó quan tâm tới các dự án xanh".
Nhiều tổ chức quốc tế chia sẻ sẵn sàng đứng ra bảo lãnh tín dụng ngân hàng, chia sẻ một nửa lợi nhuận hoặc rủi ro để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh ngay khi có những cơ chế rõ ràng, thuận lợi được hoàn thiện, khẳng định sự đồng hành với Việt Nam vì mục tiêu chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!