Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được báo chí quốc tế nhận định lạc quan, bền bỉ, tuy rằng sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức khó khăn thời gian tới.
Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tươi sáng với sức tiêu dùng nội địa mạnh, cùng đầu tư nước ngoài ổn định và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại - nhận định từ trang NASDAQ. Bài báo cũng cho biết, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo vượt 8% vào năm 2022 - 1 trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.
Trang mạng của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Italy cho rằng: Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất mới về điện tử, may mặc. Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại mới, Việt Nam đã nhanh chóng đi đầu về thu hút đầu tư, củng cố vị thế thương mại quốc tế.
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), nhận định: "Hiện nay rất nhiều tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá rất cao về sự phát triển của đất nước Việt Nam trong thời gian vừa rồi và triển vọng trong thời gian tương lai gần. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam mặc dù là kinh tế toàn cầu đang bị khó khăn nhất định. Điều này cũng đang dẫn đến sự quan tâm và thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng".
Trang Investment Monitor cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dự án FDI trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử, dịch vụ kinh doanh, giúp kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Trang The Star nhận định, hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là điều kiện để các doanh nghiệp có thể tận dụng trong thời gian tới.
Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết: "Tôi cho rằng, trong thời gian tới đây triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ lạc quan, tươi sáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có một số rủi ro mà Việt Nam cần lưu ý. Rủi ro thứ nhất là lạm phát gia tăng. Rủi ro thứ 2 là việc Mỹ và các nước tăng lãi suất, điều này sẽ dẫn tới rủi ro biến động tỷ giá. Đó là những yếu tố Việt Nam vẫn cần lưu ý.
Về triển vọng kinh tế năm 2023, trang The Edge Singapore cho biết: ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng bền bỉ trong năm 2023, trong đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức khoảng 6%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!