Hồi kết của thương hiệu WM Motor
Xe ô tô điện là một xu thế khó đảo ngược trên thế giới. Sự quan tâm của người tiêu dùng với xe điện là rất rõ ràng, dù cho họ thực sự quan tâm tới môi trường, hay đơn giản là muốn ủng hộ công nghệ mới.
Tại Mỹ, quý III, lần đầu tiên doanh số bán xe đạt mức 300.000 xe. Còn doanh số tháng 9 tại liên minh châu Âu EU tăng tới 14,3%.Trong khi đó, Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất, sôi động nhất thế giới hiện nay.
Chính sự sôi động đó đã tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt cho các hãng xe điện lớn nhỏ tại đây. Mới đây, một hãng xe điện đã từng được rót vốn tới 5 tỷ USD đã tuyên bố phá sản, mặc dù trước đó từng được coi là đối thủ của Tesla tại Trung Quốc.
WM Motor là một thương hiệu xe điện Trung Quốc ra đời năm 2015. Kể từ nửa cuối năm 2022, WM Motor đã phải vật lộn với các vấn đề tài chính, sau đó tuyên bố phá sản. Điều đáng nói, trong suốt 7 năm tồn tại, WM Motor đã từng là con cưng của thị trường xe điện Trung Quốc, từng được các nhà đầu tư rót tới 40 tỷ Nhân dân tệ và được kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của Tesla. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Một "sân chơi" chật chội
Trong thị trường xe điện, ngoài giá cả rẻ, các hãng xe còn phải có một đội ngũ phát triển công nghệ mạnh, dây chuyền sản xuất tốn kém, cũng như một đội bán hàng hiệu quả, để nắm được xu thế khách hàng. Có quá nhiều tiêu chuẩn cần đáp ứng, trong khi sân chơi này càng ngày càng nhỏ hẹp.
"Các chính phủ luôn ủng hộ xe điện, nhưng ở phía người tiêu dùng, khi họ quyết định bỏ một món tiền lớn để mua một chiếc ô tô, thì có thể họ sẽ lựa chọn khác", ông Ivan Drury, Giám đốc Insight của Edmunds, cho biết.
Tại thị trường Trung Quốc có tới 200 nhà sản xuất ô tô điện được cấp phép. Sự cạnh tranh là rất khốc liệt. Chỉ những nhà sản xuất có túi tiền dồi dào nhất, những mẫu xe đẹp nhất và được cập nhật thường xuyên nhất mới có thể tồn tại. Số vốn WM Motor có được cuối cùng vẫn là không đủ để chạy đua trong một thị trường có quá nhiều thương hiệu ra đời trong thời gian ngắn như vậy.
WM Motor còn gặp vấn đề khác đó là sự chậm chạp trong khâu sản xuất và ra đời các mẫu xe mới.
Sự đào thải trong tương lai
Ngay cả CEO Tesla Elon Musk cũng thừa nhận sức nóng trên thị trường xe điện nội địa Trung Quốc. Còn Giám đốc điều hành hãng xe XPeng từng dự đoán là đến năm 2027, ước tính sẽ chỉ còn 8 nhà lắp ráp ô tô điện tồn tại vì những công ty nhỏ hơn sẽ không thể trụ được trước sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.
Xe điện Xpeng G6 tại thị trường Trung Quốc. (Ảnh: XPeng)
Nhu cầu mua xe điện mỗi năm tại Trung Quốc đều tăng trưởng rất mạnh. Cả năm 2022 là khoảng 6,9 triệu xe điện bán ra ở nước này, nhưng kể cả như vậy, với các hãng xe nội địa, để có thêm tiền tái đầu tư, họ vẫn phải mở rộng thị trường bán xe sang châu Âu.
"Châu Âu là thị trường xuất khẩu chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi muốn chiếm được lòng tin của khách hàng nơi đây", ông Michael Shu, Giám đốc điều hành hãng xe điện BYD, cho hay.
Tuy nhiên cho tới tận bây giờ, cả hãng Nio và XPeng, 2 cái tên dẫn đầu thị trường, vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn ngốn tiền, và đều chưa tạo ra lợi nhuận.
Dự báo năm 2024 nhu cầu xe điện yếu hơn
Thị trường xe điện Trung Quốc không phải là nơi duy nhất chứng kiến những thử thách đối với các hãng xe trong năm vừa qua.
Mới đây, CEO của Tesla Elon Musk đã nói rằng sẽ hoãn kế hoạch xây nhà máy xe điện ở Mexico, do lo ngại việc lãi suất của các ngân hàng trung ương đang ở mức cao, khiến việc vay tiền mua xe trả góp đối với người dân nhiều nước không dễ dàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hãng xe điện tại các quốc gia dự báo năm 2024 nhu cầu đối với xe điện chưa thể đạt đến kỳ vọng của nhiều hãng xe.
Nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới CATL vừa báo cáo lợi nhuận quý III chỉ tăng trưởng có 10,7% - mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nhu cầu mua xe điện đang chững lại trong khi sự cạnh tranh quá gay gắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!