Người lao động Mỹ ra sao khi đứng trước “bình minh” cuộc cách mạng xe điện?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/09/2023 11:43 GMT+7

VTV.vn - Ước tính tỷ lệ xe điện mới được bán ở Mỹ đã đạt gần 7% trong năm nay và được dự báo sẽ cán mốc doanh số 1 triệu chiếc trong năm 2023.

Các hãng xe Mỹ đầu tư vào xe điện

Thị trường xe điện Mỹ đã đến giai đoạn cất cánh. Đây là nhận định của nhiều nhà nghiên cứu tại Mỹ. Theo báo cáo của Cox Automotive được công bố ngày 26/9, xe điện đã chiếm 6,9% tổng số xe ô tô được bán tại Mỹ tính đến thời điểm này trong năm.

Như vậy, thị phần xe điện đã vượt ngưỡng 5% - vốn vẫn được biết đến như một cột mốc quan trọng, bởi theo kinh nghiệm từ các thị trường như Trung Quốc và châu Âu, sau khi thị phần xe điện vượt mốc này, người tiêu dùng nói chung đã làm quen với xe điện và thị trường bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường, các hãng xe lâu đời của Mỹ như Ford và GM đã đổ hàng chục tỷ USD vào phát triển các mẫu xe điện để bắt kịp với các hãng xe điện lớn như Tesla và tăng sức cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc.

Bằng chứng rõ nét nhất cho sự chuyển dịch mạnh mẽ sang xe điện tại Mỹ chính là cuộc Triển lãm ô tô quốc tế Detroit Auto Show, được tổ chức thường niên tại trung tâm ngành công nghiệp Mỹ, thành phố Detroit, bang Michigan. Nếu như vào năm 2019, toàn bộ các xe được mang đến triển lãm đều chạy xăng thì sang năm 2022 và 2023, nhiều mẫu xe điện mới đã được ra mắt như chiếc xe bán tải của hãng GM.

Người lao động Mỹ ra sao khi đứng trước “bình minh” cuộc cách mạng xe điện?  - Ảnh 1.

Ba hãng xe truyền thống lớn nhất nước Mỹ là Ford, GM và Stellantis vẫn được gọi là Big Three, đã đồng loạt đổ hàng chục tỷ USD vào ngành công nghiệp xe điện. Ford tuyên bố sẽ đầu tư 50 tỷ USD để phát triển các mẫu xe điện mới từ nay đến năm 2026 với mục tiêu xuất xưởng 600.000 xe trong năm nay và 2 triệu xe vào năm 2026.

GM thông báo chi 35 tỷ USD cho lĩnh vực xe điện từ năm 2020 đến 2025 và đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm từ 40 - 50% doanh số bán xe tại Mỹ vào năm 2030. Không kém cạnh, Stellantis trước đó thường được biết đến với cái tên Chrysler, cũng đầu tư 35,5 tỷ USD vào xe điện trong kế hoạch kéo dài đến năm 2025.

Giáo sư Morteza Sabet - Trường đại học Clemson cho biết: "Thách thức trước mắt là các nhà sản xuất sẽ cần số lượng pin xe điện rất lớn để đáp ứng nhu cầu. Họ sẽ phải xây các nhà máy khổng lồ để sản xuất pin. Họ cũng cần một chuỗi cung ứng về nguyên liệu pin như lithium, nickel, cobalt nhằm đảm bảo họ luôn có được nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình sản xuất".

Một trong những biện pháp mà các hãng xe Mỹ đang thực hiện là đổ tiền cho các công ty khởi nghiệp về pin nhằm tìm kiếm công nghệ đột phá, trong khi vẫn tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cần thiết cho việc sản xuất.

Thách thức nhân lực trong quá trình chuyển đổi xe điện tại Mỹ

Quá trình chuyển đổi của các hãng xe ô tô Mỹ sang xe điện được xem là tất yếu nhưng đây sẽ là một quá trình có khả năng thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động truyền thống của ngành công nghiệp ô tô Mỹ, đồng thời gây ra những tác động sâu sắc lên thị trường lao động nước này.

Nước Mỹ đang trải qua một cuộc đình công trong ngành công nghiệp ô tô. Cuộc đình công bắt đầu từ ngày 15/9 và chưa có dấu hiệu kết thúc khi nghiệp đoàn và chủ các nhà sản xuất ô tô không tìm được tiếng nói chung.

Theo các chuyên gia, tâm điểm của cuộc đình công chính là cuộc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện đang lan rộng khắp nước Mỹ. Cuộc chuyển đổi này nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc các nhà sản xuất cần số lượng lao động ít hơn đáng kể so với hiện nay.

Giáo sư Jerome Demurtier - Trường Đại học Indiana cho biết: "Trong xe điện có ít bộ phận chuyển động hơn so với xe xăng và do vậy cần ít công nhân hơn để lắp ráp chúng. Một động cơ đốt trong có khoảng 1.000 bộ phận trong khi động cơ điện chỉ có khoảng 50 bộ phận. Giám đốc điều hành của Ford đã thông báo rằng số lượng công nhân cần thiết để lắp ráp một chiếc xe điện ít hơn xe xăng đến 40%".

Người lao động Mỹ ra sao khi đứng trước “bình minh” cuộc cách mạng xe điện?  - Ảnh 2.

Nước Mỹ đang trải qua một cuộc đình công trong ngành công nghiệp ô tô.

Ford đã thông báo cắt giảm 3000 lao động ngay từ đầu năm, trong khi GM cũng tiến hành cắt giảm đợt cắt giảm lớn với số lượng lên đến 5.000 lao động vào tháng 4 năm nay, bên cạnh nhiều đợt cắt giảm quy mô nhỏ khác.

Quan ngại về khả năng mất việc và được trả lương thấp trong thời đại xe điện, nghiệp đoàn lao động ô tô Mỹ đã đề nghị các nhà sản xuất tăng 40% lương và đảm bảo điều kiện làm việc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã từ chối yêu cầu này với lý do chi phí đầu tư chuyển đổi sang xe điện đã rất lớn. Đáp ứng yêu cầu tăng lương có thể khiến các hãng xe phá sản.

Giáo sư Joseph Foudy - Trường Đại học New York cho biết: "Tương lai của ngành công nghiệp ô tô chính là xe điện và các công nghệ về pin xe. Rất nhiều nhà máy loại cũ sẽ phải đóng cửa. Các nhà sản xuất xe sẽ phải xây dựng các nhà máy mới. Điều này tạo nên gánh nặng cho các nhà sản xuất xe, trong khi họ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ từ khắp nơi. Vậy nên các hãng xe không dễ chấp nhận yêu cầu của nghiệp đoàn".

Cần có sự đầu tư mạnh tay vào thị trường lao động

Theo Giáo sư Jerome Demurtier, để giảm thiểu các tác động của quá trình chuyển đổi, cần có sự đầu tư mạnh tay vào thị trường lao động.

"Chúng ta có thể thực hiện nhiều biện pháp để quá trình chuyển đổi sang xe điện diễn ra suôn sẻ. Trước hết, cần hỗ trợ những người lao động, giúp họ được học các kỹ năng mới, tương tự như cách mà nước Đức đã hỗ trợ những người công nhân mỏ trong quá trình thu hẹp hoạt động khai thác than đá trong những thập kỷ qua. Việc chuyển đổi sang xe điện là một quá trình tất yếu, không thể tránh được, nhưng cần có sự hợp tác công tư giữa chính phủ và nhà sản xuất ô tô để hỗ trợ lực lượng lao động và đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người", Giáo sư Jerome Demurtier - Trường Đại học Indiana cho biết.

Hiện tại, các nhà sản xuất xe ô tô Mỹ cho biết họ đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất pin và những công nhân sẽ được đào tạo để thích ứng với các công nghệ mới.

Nước Mỹ là một quốc gia đã có truyền thống sản xuất xe ô tô lâu đời, các cơ sở hạ tầng phục vụ xe xăng đã được hoàn thiện từ rất lâu. Việc chuyển đổi sẽ cần đầu tư tốn kém hơn và cũng gây ra nhiều tác động lớn hơn với thị trường lao động. Tuy nhiên, theo Giáo sư Jerome Demurtier, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện không đơn thuần là chuyển đổi một phương tiện đi lại, mà là cả một mô hình kinh tế và quá trình chuyển đổi xanh sẽ tạo ra nhiều công việc mới có thể bù đắp cho sự sụt giảm số lượng công việc trong các ngành truyền thống.

Giáo sư Jerome Demurtier nhận định: "Việc chuyển đổi từ ô tô chạy xăng sang ô tô điện là một sự thay đổi mang tính căn bản. Toàn bộ cơ sở hạ tầng đã được xây dựng để cung cấp nhiên liệu cho ô tô chạy xăng sẽ cần phải được đổi sang các trạm sạc điện. Quá trình này diễn ra tuy chậm, nhưng rất chắc chắn. Người tiêu dùng cũng có nhu cầu sạc điện tại nhà, trong đêm. Điều này cũng sẽ thay đổi mô hình tiêu thụ điện. Việc thay đổi từ động cơ đốt trong sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tất yếu sẽ tạo ra các công việc mới và khác biệt so với các công việc hiện nay".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước