Thủ tướng: Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 20:15 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng khẳng định Việt Nam chia sẻ, đồng cảm với khó khăn mà các DN đang gặp phải, luôn tạo điều kiện, đồng hành để các DN đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Trong suốt hơn 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cuộc làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tại các cuộc làm việc này, Thủ tướng đã khẳng định Việt Nam chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và luôn tạo điều kiện, đồng hành để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Một thông điệp xuyên suốt, nhất quán Thủ tướng nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại khi đối thoại với các doanh nghiệp, đó là: "Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ". Khi khó khăn dịch bệnh, các bên phải cùng chia sẻ, thông cảm, đoàn kết với nhau, cùng tìm ra giải pháp phù hợp để thích ứng.

Thủ tướng: Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: TTXVN)

Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, đã ban hành Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và đang xây dựng kịch bản khôi phục kinh tế - xã hội thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác vẫn phải chống dịch COVID-19. Tinh thần là "an toàn để sản xuất, sản xuất thì phải an toàn". Tuy nhiên an toàn không phải là thứ từ trên trời rơi xuống mà phải có sự cộng tác, phối hợp, đoàn kết, cố gắng của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi doanh nghiệp chung tay, chung sức, đồng lòng tạo ra. Tinh thần là phải thông cảm, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, bởi tất cả đều đang phải đối mặt với những khó khăn chung do dịch bệnh gây ra và đang nỗ lực hết sức để vượt qua. Thủ tướng đã rất nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp trong cuộc chiến này.

Một nội dung nữa được Thủ tướng rất quan tâm trong các cuộc làm việc, đó là việc đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến quá trình nội địa hóa sản xuất, nâng cao tay nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.

Nhắc lại chuyến thăm đến nhà máy Samsung tại Thái Nguyên hồi đầu tháng 9, Thủ tướng đã đề nghị Samsung nhanh chóng khắc phục việc nhập nhiều sản phẩm, linh kiện để phục vụ sản xuất bằng cách chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam.

Hiện nay, 30% sản phẩm công nghệ cao vẫn phải nhập khẩu, nhưng lại chiếm tới 60% tổng giá trị sản phẩm, tức là Việt Nam chỉ chiếm 40%, chưa được một nửa, vì vậy cần có giải pháp nâng tỷ trọng về mặt giá trị của Việt Nam lên cao hơn nữa trong từng loại sản phẩm và trong tổng giá trị xuất khẩu.

Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng sản xuất khởi sắc

Tại các cuộc làm việc vừa qua, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến các vấn đề về duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, sản xuất an toàn; cấp phép lao động và nhập cảnh cho các chuyên gia; tiêm vaccine; các chính sách ưu đãi về thuế, phí…

Đại diện nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ cho biết, họ đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rất nhất trí với quan điểm "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ" của Thủ tướng, và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng chính phủ Việt Nam chống dịch, tạo ra sự an toàn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

3 tháng nay, các dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại với hơn 5.000 công nhân của công ty Elentec Việt Nam đều phải tăng 50 - 60% công suất. Không chỉ đảm bảo đơn hàng của chính doanh nghiệp mà còn hỗ trợ duy trì đơn hàng cho doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam do phải giảm công suất hoặc tạm dừng hoạt động để ưu tiên phòng dịch.

Thủ tướng: Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Ảnh 2.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Ngoài việc hỗ trợ về các đơn hàng sản xuất, chúng tôi với vai trò là nhà cung cấp cấp 1 của Samsung cũng hỗ trợ kinh phí để họ yên tâm duy trì 3 tại chỗ, xét nghiệm PCR cho họ để tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Đây là cách chúng tôi cùng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam, san sẻ công tác phòng chống dịch của chính quyền. Có như vậy thì dịch mới sớm đẩy lùi và sản xuất ổn định trở lại", Tổng Giám đốc Elentec Việt Nam Cho Chang Hyun cho biết.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp và lây lan tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Trước bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang kết nối, liên kết thực hiện trách nhiệm xã hội, san sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

"Trong ngắn hạn, Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực để tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi nhanh nhất dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quyết tâm đồng hành cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn này. Đợt bùng phát dịch hiện nay đang gây sự áp lực chưa từng có lên hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Chiến dịch gây quỹ "Hồi sinh Nhịp thở - Breathe Again" là hành động thiết thực mà thành viên EuroCham sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. EuroCham tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ lặp lại thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh như những đợt trước đây", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany nhận định.

"Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp FDI, cơ chế đóng góp ý kiến của doanh nghiệp đang tiếp tục được minh bạch và bao trùm. Thời điểm này cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay tháo gỡ khó khăn. Một số doanh nghiệp Nhật Bản tự khắc phục khó khăn, duy trì các hoạt động kinh doanh thông qua trực tuyến, đã có thể để tiếp tục kinh doanh như bình thường, nâng cao hiệu suất tốt hơn", Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh Hirai Shinji cho hay.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam là một điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn trước những tác động của đại dịch COVID 19. Thực tế đã cho thấy trong đợt dịch lần này từ tháng 4, việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh thành công ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng hành, hưởng ứng của nhân dân, mà luôn có sự chia sẻ, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, qua đó sớm phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Trong khó khăn, sự đồng hành và đoàn kết chính là sức mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước