Trong bài viết "Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon ra thế giới mỗi năm" VTV News có phản ánh: Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon và tính theo giá 5 USD/tín chỉ, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Các chuyên gia cho rằng cần coi đây là tài nguyên mới, khai thác tốt tạo nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng.
Trữ lượng rừng năm 2020 là khoảng 990 triệu m3 và dự kiến 10 năm tới con số này tăng lên 1.250 triệu m3. Tuy nhiên để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2 của rừng Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện các quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước.
Trước thông tin của VTV News, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xử lý.
Kinh doanh tín chỉ carbon rừng là hình thức các nước đang phát triển nhận các khoản tài chính đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển nhằm ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng để tăng lượng carbon lưu trú trong rừng.
Tỉnh Quảng Nam có 628.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon, có nghĩa mỗi năm có thể bán được 1 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nhìn thấy được tiềm năng này, mới đây, Quảng Nam đã mạnh dạn trở thành địa phương đầu tiên xin Thủ tướng phê duyệt cơ chế, để tham gia thị trường trao đổi carbon tự nguyện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!