Đây là khẳng định mới nhất từ phía đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh câu chuyện phát triển chứng chỉ carbon của rừng trở thành một thứ hàng hóa để có thể bán và chuyển nhượng nhiều hơn trong thời gian tới.
Mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Tín chỉ carbon được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo các chuyên gia đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.
Trữ lượng rừng năm 2020 là khoảng 990 triệu m3 và dự kiến 10 năm tới con số này tăng lên 1.250 triệu m3. Tuy nhiên để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2 của rừng Việt Nam, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước.
"Vẫn còn thiếu một số quy định chi tiết để phục vụ việc hướng dẫn triển khai thực hiện trên thực tế. Những vấn đề như việc chuyển quyền, giảm phát thải từ rừng hay cơ chế quản lý tài chính khi hoạt động mua bán đó diễn ra cần có quy định rõ hơn về hạn ngạch giảm phát thải, hay hạn ngạch phát thải của nhà sản xuất lớn, hay việc quy định những tỉnh tạo ra được lượng giảm hấp thụ lớn, có đóng góp cho kinh tế xanh thì có thể sẽ được nhận những nguồn tài chính từ tỉnh công nghiệp hóa mạnh và ở đó có phát thải lớn", ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!