Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc.
Các dự án được người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5, gồm: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy gang thép Lào Cai, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp", Chỉ thị 12 nêu rõ.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong những dự án Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5 này.
Ngoài ra, trước ngày 30/5/2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải hoàn thiện các nội dung công việc sau để báo cáo Chính phủ.
Một là, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Hai là, chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022-2025 của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy định tại Phụ lục IV Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025.
Ba là, tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, cơ quan theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để tổng hợp hoàn thiện, hoàn thành phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc theo quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025", nhất là Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!