Đó là khẳng định của đại diện các nước tham gia đàm phán RCEP trong cuộc họp diễn ra sáng nay (22/5) tại Hà Nội, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC.
Tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực đang đối diện với nhiều biến động. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị ngưng trệ, cùng với đó là sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch và phản đối toàn cầu hóa. Do đó, ở thời điểm hiện nay, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là một ý tưởng có sức sống nhất và tiến trình thực tế nhất mà các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể kỳ vọng đạt được, nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư.
Trong cuộc họp sáng nay, đại diện các nước tham gia đàm phán RCEP đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy và tiến tới kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động như hiện nay, kết thúc đàm phán RCEP sẽ giúp truyền đi một thông điệp về cam kết mạnh mẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, để hoàn tất đàm phán cần một cách tiếp cận linh hoạt để vượt qua được những khác biệt và cân bằng mong muốn của các thành viên.
RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được thiết kế nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại gồm Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Khi được hình thành, RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!