Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giải ngân đạt gần 99.000 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng này được đánh giá đạt mức cao nhất giai đoạn 2017 - 2021, tuy nhiên so với kế hoạch năm còn khá thấp.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn này đang làm nhiệm vụ quan trọng cần được các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phải giải ngân 100% vốn cho một dự án hồ thủy lợi vào cuối năm nay, khi dự án hoàn thành.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp, một số giải pháp đối phó với các tình huống phát sinh ảnh hưởng đến giải ngân như giá nguyên vật liệu tăng cao đang được triển khai.
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công đang nằm ở nguồn ODA, khi hết 4 tháng, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 2%. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Rà soát lại các hợp đồng đã ký với các nhà thầu. Nếu trong hợp đồng có quy định về điều chỉnh giá thì khẩn trương tính toán để thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định pháp luật và theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký", ông Nguyễn Tất Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định.
Với tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt hơn 20%, thuộc nhóm cao nhất cả nước, ngoài việc giao kế hoạch vốn cho các dự án ngay từ đầu năm, tỉnh Lạng Sơn cũng đẩy mạnh việc hoàn thành sớm các thủ tục để thi công.
Còn tại Hà Nội, một trong những dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã giải ngân được 18% kế hoạch vốn của năm nay. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, từ nay đến cuối năm, lượng vốn còn lại sẽ phải hoàn thành giải ngân 100%.
Theo Kho bạc Nhà nước, quý I giải ngân còn thấp bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và chủ yếu các đơn vị tập trung thực hiện giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước. Tuy nhiên, đến nay đã hết tháng đầu tiên của quý II, tâm lý đủng đỉnh sẽ không thể kéo dài thêm.
Tuy nhiên, áp lực giải ngân vốn đầu tư công đang nằm ở nguồn ODA, khi hết 4 tháng, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 2%. Các chuyên gia cho rằng cần có sự linh hoạt trong việc thực hiện các cơ chế chính sách để giải ngân từng nguồn vốn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!