Thúc đẩy liên kết chuỗi: Nhiệm vụ cấp bách với ngành dệt may

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/06/2020 21:03 GMT+7

VTV.vn - Để phát huy lợi thế từ CPTPP, EVFTA, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành dệt may.

Nằm trong top 5 thế giới về doanh thu sản xuất và xuất khẩu, với mức tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế này, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là đặc biệt quan trọng để tạo nên sức mạnh cho mỗi sản phẩm, mỗi ngành hàng.

Đây cũng là nội dung chính tại hội thảo "Thúc đẩy liên kết chuỗi trong ngành dệt may" do Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt may tổ chức chiều nay (25/6) tại Nam Định.

Thúc đẩy liên kết chuỗi: Nhiệm vụ cấp bách với ngành dệt may - Ảnh 1.

Năm 2019, ngành dệt may tiếp tục xuất siêu ấn tượng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, ngành dệt may tiếp tục xuất siêu ấn tượng, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39 tỷ USD. 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ. Trước thách thức tăng trưởng, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành.

Theo đánh giá, đây cũng là xu hướng của các nhà mua hàng lớn tại Mỹ và các nước châu Âu, là chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói, thay vì đặt hàng theo phương thức gia công để rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm mới.

Hiện cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may. Do nguồn cung nguyên liệu vải trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu sản xuất, 70% còn lại là nhập khẩu nên giá trị thặng dư không đạt như kỳ vọng. Để được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, 100% vải phải được sản xuất trong nước.

Thúc đẩy liên kết chuỗi: Nhiệm vụ cấp bách với ngành dệt may - Ảnh 2.

Để được ưu đãi thuế quan theo EVFTA, 100% vải phải được sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và hiệp định chính thức có hiệu lực từ mùng 1/8 tới. Theo đó, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm 42,5% dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Trước cơ hội đó, việc tạo liên kết chuỗi giá trị dệt may, nắm giữ các khâu trong phân khúc sản xuất nguyên phụ liệu sẽ là chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng may mặc.

“Xuất xứ từ vải”: Điểm nghẽn của ngành dệt may trong EVFTA “Xuất xứ từ vải”: Điểm nghẽn của ngành dệt may trong EVFTA

VTV.vn - Việc đáp ứng cam kết "xuất xứ từ vải" là điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam hiện nay khi tận dụng hiệp định EVFTA.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước