Để thực hiện dự án tỷ USD, chủ đầu tư Happyland đã có trong tay chứng nhận quyền sử dụng trong vòng 50 năm của 350 ha đất. Nguồn vốn tự có hàng nghìn tỷ đồng. Theo lời chủ đầu tư, giai đoạn đầu đã có hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài hứa hẹn sẽ song hành. Với sự chuẩn bị như vậy, tại sao dự án lại ngừng triển khai và vướng vào các khoản nợ nghìn tỷ đồng?
Trong khoản nợ 1.800 tỷ đồng của dự án, hơn 600 tỷ đồng nợ VAMC, 100 tỷ đồng nợ 2 doanh nghiệp Nga, còn lại là những khoản nợ bảo hiểm xã hội, nợ các công ty tư vấn, thiết kế… Khoản nợ lớn nhất là gần 1.000 tỷ đồng theo yêu cầu thi hành án từ Chi cục thi hành án dân sự quận 1, TP.HCM.
Đại diện chủ đầu tư dự án Happyland cho biết, ngay sau khi tổ chức khởi công, chủ đầu tư đã đồng loạt ký bản ghi nhớ với nhiều đối tác quốc tế. Những lời hứa hẹn nhiều triệu USD. Tuy nhiên, chưa hề có một khoản tiền nào được chuyển.
Sau đó, doanh nghiệp phải tự phát triển dự án bằng nguồn vốn tự có kèm với các khoản vay ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý là khoản vay gần 300 tỷ đồng tại ngân hàng bằng việc thế chấp toàn bộ dự án.
Do quy mô thực hiện dự án quá lớn, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ bằng 1/7 nên số tiền vay mượn được để tiếp tục dự án cũng chỉ như muối bỏ biển.
Bên trong dự án, hiện cơ sở hạ tầng bên dưới như điện thoát nước, đê kè đã được chủ đầu tư hoàn thiện ngay từ những năm đầu khởi công. Riêng khoản đầu tư này theo tính toán đã ngốn của chủ đầu tư con số hơn 10.000 tỷ đồng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!