Thước đo lạm phát yêu thích của FED được dự báo hạ nhiệt

VTV Digital-Thứ năm, ngày 30/05/2024 20:53 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 - thước đo lạm phát yêu thích của FED có thể sẽ hạ nhiệt.

Dự báo chỉ số PCE Mỹ tháng 4 hạ nhiệt

Tâm điểm của thị trường lúc này chính là các dự báo về dữ liệu lạm phát tại Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản sẽ cùng được công bố vào ngày 31/5. Đây sẽ là thông tin giúp các nhà đầu tư có thêm manh mối để dự đoán về quy mô và tốc độ điều chỉnh lãi suất ở các nền kinh tế lớn.

Trước tiên là Mỹ, Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 4 - thước đo lạm phát yêu thích của FED có thể sẽ hạ nhiệt đôi chút. Điều này phần nào sẽ xoa dịu lo ngại của các quan chức FED về tình hình lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế dự báo PCE lõi, loại trừ các yếu tố biến động như năng lượng và thực phẩm trong tháng 4 sẽ tăng 0,2% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Khi tăng trưởng thu nhập chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt, người tiêu dùng Mỹ đang dần dần siết chặt chi tiêu, từ đó góp phần xoa dịu áp lực lạm phát trong cả năm nay.

Thước đo lạm phát yêu thích của FED được dự báo hạ nhiệt - Ảnh 1.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: The Financial Express

Dự báo lạm phát ở Eurozone tháng 5/2024

Còn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, mặc dù các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát tín hiệu tháng 6 sẽ hạ lãi suất tiền gửi từ mức cao kỷ lục 4% nhưng thị trường chưa biết ECB sẽ giảm chi phí đi vay xuống mức nào và tốc độ giảm sau đó ra sao, đặc biệt khi dữ liệu lạm phát công bố ngày 31/5 dự báo là tăng nhẹ.

Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát cho rằng, lạm phát tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5 sẽ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đôi chút so với mức 2,4% trong tháng 4. Đây có thể là tháng thứ 8, lạm phát khu vực dưới 3%.

Thước đo lạm phát yêu thích của FED được dự báo hạ nhiệt - Ảnh 2.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: Bloomberg)

Nhật Bản theo dõi sát tình hình lạm phát

Với thị trường châu Á, dữ liệu lạm phát cơ bản ở thủ đô Tokyo được xem là dữ liệu quan trọng để đánh giá khi nào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất đợt tiếp theo.

Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi ở Tokyo, chỉ số thường phản ánh trước xu hướng lạm phát quốc gia của Nhật bản, có khả năng đã tăng tốc trong tháng 5, đạt 1,9% so với mức tăng 1,6% của tháng 4.

Một số người đang đặt cược rằng BOJ có thể thực hiện đợt tăng lãi suất thứ hai trong kỳ họp tháng 6, sau động thái lịch sử hồi tháng 3. Song các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vẫn thận trọng bất chấp áp lực ngày càng tăng khi đồng Yen yếu đã cản trở nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Thước đo lạm phát yêu thích của FED được dự báo hạ nhiệt - Ảnh 3.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Nguồn: Getty Images)

Đồng Yen yếu mang lại nhiều lợi thế cho du lịch Nhật Bản?

Đồng Yen yếu đang làm đau đầu BOJ, nhưng ở chiều ngược lại 1 đồng Yen rẻ đang tạo ra lợi thế cho Nhật Bản trong thu hút khách du lịch nước ngoài đến nước này, chi phí du lịch sẽ rẻ hơn khi quy đổi tỷ giá. Song thu hút thật nhiều khách du lịch có thực sự là điều mà Nhật Bản thực sự mong muốn hay không.

Trên thị trường ngoại hối Tokyo, đồng Yen đang ở mức 157 Yen đổi 1 USD, đồng Yen rẻ khiến giá du lịch đến đất nước mặt trời mọc đang trở nên hấp dẫn, nhiều khách du lịch chọn Nhật Bản làm điểm đến du lịch lý tưởng.

Trên báo Nikkei, Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JINTO) cho biết, lần đầu tiên số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản là hơn 3 triệu người trong tháng 3 năm nay, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua kỷ lục từng ghi nhận tháng 7/2019, thời điểm trước dịch COVID-19. Khách du lịch chủ yếu đến từ châu Á, trong đó Hàn Quốc đứng đầu danh sách với 663.100 người, tiếp sau là Đài Loan, Trung Quốc và Trung Quốc đại lục.

Theo thống kê trên báo Mainichi, chi tiêu của du khách nước ngoài cũng tăng theo, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay là 1.750 tỷ Yen khoảng 11,3 tỷ USD. Chi tiêu trung bình mỗi khách du lịch là 208.760 Yen, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, chi tiêu của khách du lịch đã chuyển hướng, tập trung vào chủ yếu là trả tiền dịch vụ thay vì kiểu mua sắm số lượng lớn như khách du lịch Trung Quốc trước đó.

Đồng Yen rẻ mang lại nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch và tăng doanh thu từ khách du lịch nước ngoài, tuy nhiên những tác động ngược chiều không phải là không có.

Thước đo lạm phát yêu thích của FED được dự báo hạ nhiệt - Ảnh 4.

Tờ tiền mệnh giá 10.000 Yen. (Ảnh: Bloomberg)

Báo Yomiuri đánh giá, đồng Yen rẻ hơn so với các ngoại tệ khiến du lịch Nhật Bản chỉ phát triển một chiều, trong khi nhiều người dân Nhật Bản phải bỏ kế hoạch du lịch nước ngoài khi chi phí tăng cao.

Trong khi đó ở trong nước, sự gia tăng nhanh chóng khách du lịch khiến cho du lịch Nhật Bản quá tải, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chính quyền địa phương tại đây quan tâm. Tại phố Gion, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Kyoto, chính quyền địa phương đã cấm các phương tiện giao thông cá nhân, nếu vi phạm sẽ bị phạt 10.000 Yen, khoảng 70 USD.

Nhật Bản đang nỗ lực tăng cường phát triển du lịch, mục tiêu là tăng mức tiêu dùng của khách du lịch lên 15.000 tỷ Yen mỗi năm, khoảng 97 tỷ USD, tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản xem trọng việc phát triển du lịch bền vững, ưu tiên giảm tác động tiêu cực đến cảnh quan và cuộc sống của người dân địa phương khi du lịch phát triển quá mức.

Những kịch bản khác nhau về lộ trình lãi suất của ECB Những kịch bản khác nhau về lộ trình lãi suất của ECB Fed có thể sẽ không hạ lãi suất trong mùa Hè này Fed có thể sẽ không hạ lãi suất trong mùa Hè này Goldman Sachs: Đồng USD sẽ mạnh hơn nếu lãi suất tại Mỹ ổn định Goldman Sachs: Đồng USD sẽ mạnh hơn nếu lãi suất tại Mỹ ổn định

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước