Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền thành phố Thượng Hải đã đặt ra các tiêu chí gắt gao với các nhà sản xuất tại địa phương nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh hàng năm.
Khu công nghiệp đã được thiết kế để trở thành trung tâm tái chế tại quận Gia Định, thành phố Thượng Hải. Khu công nghiệp có nhiệm vụ xử lý toàn bộ rác thải phát sinh từ hoạt động trang trí và phá dỡ nội thất trên toàn quận, với công suất xử lý hàng ngày lên tới 1.500 tấn. Một số loại rác thải đáp ứng tiêu chuẩn có thể được sử dụng để làm vật liệu như gạch không nung.
"Những viên gạch này có thể sử dụng để xây tường, lát nền nhà hoặc trang trí cho sân vườn, rẻ hơn từ 30 - 40% so với các vật liệu thông thường", ông Fu Qiang, Giám đốc sản xuất, công ty công nghệ SYEP, Trung Quốc, cho biết.
Chương trình thí điểm thành phố không rác thải đã được Trung Quốc bắt đầu triển khai từ năm 2019. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)
Thượng Hải đặt mục tiêu có 8 quận trên tổng số 16 quận trở thành khu vực phi rác thải vào năm 2025, tiến tới trở thành thành phố không rác thải vào năm 2030. Các nhà sản xuất hoạt động trong thành phố cần phải đáp ứng những tiêu chí mà chính quyền thành phố đặt ra. Với ngành công nghiệp ô tô, có 4 tiêu chí là điện hóa, kết nối Internet, vận hành dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và có khả năng đáp ứng nhu cầu chia sẻ phương tiện.
"Hiện tại có 166 nhà sản xuất ô tô đã đáp ứng được 4 tiêu chí hiện đại hóa, những công ty này đã giảm thiểu đáng kể được lượng rác thải so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Đây là hướng đi mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong tương lai", ông Wang Jian, Cục Môi trường Sinh thái quận Gia Định, thành phố Thượng Hải, cho hay.
Trung Quốc đang đối mặt với 60 - 70 tỷ tấn rác thải tồn đọng. Chương trình thí điểm thành phố không rác thải đã được Trung Quốc bắt đầu triển khai từ năm 2019, nhằm xử lý lượng rác thải tồn đọng và giảm thiểu số lượng rác thải phát sinh mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!