Ngày 18/7 vừa qua, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã cấp giấy chứng nhận cho 31 công ty đa quốc gia đặt trụ sở chính cấp vùng và 13 trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, nâng tổng số trụ sở chính cấp vùng tại đây lên con số 922 và 544 trung tâm R&D có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y sinh học, sản xuất ô tô và các sản phẩm thời trang.
Công ty hóa chất Rohm là một trong số các công ty của Đức chọn Thượng Hải làm nơi đặt trụ sở chính cho khu vực châu Á và xây dựng một trung tâm nghiên cứu cấp vùng. Rohm cũng sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất tại Thượng Hải.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu chạy thử dây chuyền mới kể từ tháng 8. Đây là phần mở rộng trong dự án sản xuất của chúng tôi. Tổng vốn đầu tư cho phần mở rộng này là hàng chục triệu Euro", bà Yang Li, Giám đốc bộ phận mua hàng, công ty hóa chất Rohm, Đức, cho biết.
Thượng Hải từ lâu đã được biết đến là trung tâm kinh tế và thành phố năng động bậc nhất của Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Trong các lý do khiến Thượng Hải trở thành điểm hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh quy mô kinh tế, thị trường tiêu dùng và vai trò quan trọng với kinh tế Trung Quốc nói chung, còn có các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mới và hứa hẹn.
"Chúng tôi đặt trụ sở vùng ở Thượng Hải vì thành phố đã rất ủng hộ cho các dự án năng lượng sử dụng hydro. Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án về năng lượng hydro tại đây, nên việc chọn Thượng Hải làm trung tâm cấp vùng là điều tự nhiên", ông Alban Brisset, Giám đốc chi nhánh Trung Quốc, công ty Faurecia, Pháp, cho hay.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau giai đoạn chống dịch COVID-19, Thượng Hải được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn với công ty đa quốc gia trong việc đặt trụ sở và trung tâm nghiên cứu lớn tại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện tại Thượng Hải đã đạt 11 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!