Trải qua nhiều thăng trầm và sóng gió, không ít doanh nghiệp "có tiếng" trên thế giới tưởng chừng trường tồn với thời gian cuối cùng lại phải "sập tiệm" trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ có phải là do đại dịch toàn cầu hay không? Câu chuyện sau đây của Lord & Taylor phần nào gợi mở đáp án cho câu hỏi trên.
Vào cuối tháng Tám vừa qua, Lord & Taylor - một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng và lâu đời nhất tại Mỹ - đã chính thức ngừng hoạt động sau gần 200 năm tồn tại khi đóng cửa toàn bộ cửa hàng bán lẻ còn lại của doanh nghiệp này. Trang web và 38 cửa hàng bán lẻ còn lại của Lord&Taylor đang bắt đầu bán thanh lý sản phẩm, một sự thay đổi so với quyết định duy trì hoạt động của 14 cửa hàng mà doanh nghiệp này đưa ra trước đó. Theo ông Ed Kremer, Giám đốc Tái cơ cấu (CRO) của Lord & Taylor, việc tiến hành thanh lý sản phẩm ở các cửa hàng còn lại của Lord & Taylor là một bước đi thận trọng nhằm tối đa hóa nguồn thu từ việc thanh lý lượng hàng trữ kho.
Trước đó, ngày 2/8, Lord & Taylor nộp đơn xin phá sản sau các nỗ lực vật lộn với những khó khăn được cho là do đại dịch COVID-19 gây ra. Như vậy, Lord & Taylor đã gia nhập danh sách các công ty đệ đơn xin phá sản kể từ tháng 3/2020 tới nay sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Danh sách này đã có sự "góp mặt" của những doanh nghiệp hàng đầu như Neiman Marcus Group Inc., Brooks Brothers, J.Crew Group Inc. và JC Penney.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1826, Lord & Taylor do hai người nhập cư gốc Anh Samuel Lord và George Washington Taylor sáng lập đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại New York (Mỹ). Trong những năm đầu, từ xuất phát điểm là một cửa hàng chuyên kinh doanh hàng khô, Lord&Taylor đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và bắt đầu chuyển hướng tự sản xuất các sản phẩm thời trang. Sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1904, đến năm 1910, Lord & Taylor trở thành một phần của United Dry Goods Company trước khi gia nhập chuỗi cửa hàng độc lập Associated Dry Goods Company vào năm 1916.
Một cột mốc đáng chú ý trong lịch sử hoạt động của Lord & Taylor là vào năm 1914, công ty này đã khai trương cửa hàng hàng đầu Fifth Avenue – một biểu tượng cho phong cách và thời trang tại New York City. Các tín đồ mua sắm và "nghiện" thời trang từ khắp nơi đã đổ về Lord & Taylor. Trong những năm sau đó, Lord & Taylor bắt đầu cải tiến sản phẩm và hình thức tiếp thị để không ngừng lớn mạnh, từng bước trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến New York City.
"Thời hoàng kim" của Lord & Taylor diễn ra trong nhiều năm sau Thế chiến thứ hai dưới sự điều hành của bà Dorothy Shaver, người phụ nữ đầu tiên quản lý một doanh nghiệp bán lẻ lớn. Dưới sự "chèo lái" của bà Shaver, Lord & Taylor khai trương một loạt cửa hàng ở khu vực ngoại thành và đưa ra khái niệm về mua sắm và tư vấn trang phục cho khách hàng. Năm 1986, Lord & Taylor được "sang tay" cho May Deparment Stores và đến năm 2005, Federated Department Stores (hiện là Macy’s Inc.) đã nắm quyền quản lý Lord & Taylor như một phần thương vụ mua lại May Department Stores.
Đến năm 2006, Lord & Taylor thuộc quyền sở hữu của công ty cổ phần tư nhân NRDC Equity Partners. Năm 2012, Hudson’s Bay Company mua lại Lord & Taylor trước khi bán doanh nghiệp này cho hãng cho thuê trang phục phụ nữ trực tuyến Le Tote Inc. với giá 75 triệu USD. Le Tote đã rất nỗ lực hồi sinh thương hiệu này với một cửa hàng pop-up (loại cửa hàng bán lẻ được mở tạm thời để tận dụng xu hướng thời trang khác biệt mới xuất hiện hoặc đáp ứng nhu cầu theo mùa) tại New York và tái cơ cấu các cửa hàng còn lại với sự tăng cường sử dụng công nghệ.
Tuy vậy, khó khăn bắt đầu đến với Lord & Taylor vào thập niên 1990 khi công ty này từ bỏ các thương hiệu thời trạng cao cấp hơn trong các dòng sản phẩm của mình nhằm tăng cường tiếp cập lượng khách hàng lớn hơn. Chiến lược này đã giúp tăng lợi nhuận trong ngắn hạn song đã ảnh hưởng xấu tới danh tiếng thời trang cao cấp của Lord & Taylor.
Theo nhà phân tích cao cấp Bob Hoyler của Euromonitor International, Lord & Taylor không còn được coi là thương hiệu thời trang cao cấp, song cũng không phải là một thương hiệu thời trang giá rẻ. Trong năm 2019, các công ty kinh doanh sản phẩm thời trang ở phân khúc thị trường giữa giá rẻ và cao cấp đã phải đối mặt với doanh số trì trệ và thậm chí là sụt giảm. Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các công ty kinh doanh thời trang truyền thống đã gặp không ít khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh trước sự cạnh tranh ngày càng lớn từ những doanh nghiệp thương mại điện tử như Amazon và Walmart.
Cuối cùng, dịch COVID-19 và những ảnh hưởng kinh tế kèm theo ở mức độ chưa từng có trong lịch sử đã "đặt dấu chấm hết" cho một những tên tuổi hàng đầu của ngành thời trang Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Vào thời điểm nộp đơn xin phá sản, Lord & Taylor đang phải "gánh" số nợ khoảng 137,9 triệu USD. Trước đó, năm 2019, Lord & Taylor mặc dù đạt doanh thu 1,4 tỷ USD song vẫn thua lỗ tới 114 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!