Công ty sáp nhập chưa được đặt tên sẽ có 57% cổ phần thuộc về các cổ đông của Pfizer, trong khi 43% còn lại do cổ đông của Mylan sở hữu. Nếu thương vụ sát nhập này được "bật đèn xanh", các loại thuốc đại trà như thuốc chữa rối loạn cương dương Viagra, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu Lipitor, thuốc giảm đau Lyrica và thuốc trị sốc phản vệ EpiPen năm tới đều sẽ được ra đời dưới một mái nhà. Đây đều là những loại thuốc phổ biến, có nhu cầu cao trên thị trường, đặc biệt là EpiPen trong những trường hợp cấp cứu. Thương vụ này được cho là có lợi cho cả Mylan và Pfizer.
Ông Michael Godwin, Chuyên gia tư vấn tài chính của Fragasso đánh giá: "Mylan là một công ty dược có quy mô nhỏ hơn, chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ thương vụ này. Họ có thể nhờ đôi cánh của Pfizer mà vươn ra biển lớn, các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ".
Thương vụ này thuộc một chuỗi những vụ mua bán sát nhập diễn ra trong thị trường dược những năm qua, đặc biệt là thị trường thuốc gốc (thuốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền phát minh và bán ra đại trà hơn). Pfizer đã triển khai nước cờ này để thâu tóm những loại thuốc bán chạy của Mylan, đặc biệt là EpiPen, về dưới mái nhà của mình. Sự kết hợp này sẽ cho phép Pfizer tăng doanh số bán hàng vốn đang sụt giảm do một số loại thuốc hết hạn bảo hộ bản quyền.
"Tất cả các công ty dược trên thị trường hiện nay đều đang cố gắng sở hữu bản quyền các loại thuốc biệt dược, những loại thuốc này sẽ mang lại lợi thế cho các công ty dược trong việc định giá sản phẩm trên thị trường. Pfizer đơn giản chỉ là đang chạy theo bắt kịp xu thế đó mà thôi" - Chuyên viên phân tích thị trường Sam Fazeli nhận định.
Trong bối cảnh các nhà lập pháp gây sức ép các hãng dược phải giảm giá thành, việc phát minh thuốc mới phát sinh chi phí quá cao thì sát nhập để kiểm soát các loại thuốc hết hạn bảo hộ bản quyền đang là một xu thế của thị trường dược. Dự kiến, thương vụ này có thể đem lại doanh thu hơn 20 tỷ USD một năm cho cả hai bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!